Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

Nhìn thấu thao tác chữ nghĩa của Nho học

Nhìn thấu thao tác chữ nghĩa của Nho học

Tầm vóc của Nho học là gì? Chúng ta hãy nghe nhà cải cách giáo dục nổi tiếng Trung Quốc Thái Nguyên Bồi (1868-1940) dùng sáu chữ Hán để tổng kết nền giáo dục nho giáo đó là:
1-     Bỉ (xấu xa)
2- Loạn (lộn xộn)
3- Phù (sáo rỗng)
4- Tỉ (sợ sệt)
5- Trệ (trì trệ) 
6- Khi (dối trá).
Thái Nguyên Bồi là nhà giáo dục cải cách bậc nhất của Trung Quốc, để vẽ ký tự và bàn chữ Hán, tôi tin chắc khó có chuyên gia chữ Hán của Việt Nam nào có thể sánh kịp. Vậy mà ông đã dứt khoát phán xét cho chữ Nho 6 chữ. Cụ thể là: bỉ ổi xấu xa, hỗn loạn, sáo rỗng, hèn nhát, trì trệ dẫm chân tại chỗ, và dối trá.
Thật là những cái nhìn xác đáng của một con người minh trí và nằm trong chăn để tỏ tường “con rận” nho giáo thế nào.
Đấy là người ở ngay Trung Quốc cái nôi của Nho giáo, giờ chúng ta hãy lắng nghe một chuyên gia nổi tiếng khác ở ngay bên ngoài thuộc nước lân bang có chữ viết rất gần gũi với chữ Hán, đó làFukuzawa Yukichi (1835-1901, tên phiên âm Hán Việt: Phúc Trạch Dụ Cát) là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu và rộng nhất đến xã hội Nhật Bản cận đại. Ông là một nhà cải cách chính trị xã hội, nhà giáo dục tiên phong, nhà tư tưởng tiêu biểu của Nhật Bản từ cuối thời Edo, đầu thời kỳ Minh Trị - thời kỳ diễn ra những chuyển biến lớn lao trong lịch sử Nhật Bản. Ông đánh giá Nho giáo như thế này:
“Suốt hàng nghìn năm họ không hề thay đổi và vẫn quyến luyến với những phong tục tập quán cũ kĩ bảo thủ. Giữa thời buổi văn minh mới mẻ và đầy khí thế ngày nay mà khi bàn luận về giáo dục thì họ thường lên tiếng giữ gìn nền giáo dục Nho học (Hán học), bàn về giáo lý của trường học thì họ chỉ trích dẫn những lời giáo huấn “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí”, và chỉ phô trương coi trọng hình thức bên ngoài giả tạo, thực chất họ coi thường chân lí và nguyên tắc, còn đạo đức thì hung hăng tàn bạo và vô liêm xỉ không lời nào tả xiết, đã vậy họ lại còn kiêu căng tự phụ.”
Nho giáo đã được cả những con em ưu tú, cả những vị khách thông thạo nổi tiếng nhận xét như vậy, nên có lẽ chúng ta không hề thấy bất ngờ khi nghe dân chúng việt nam phần đông đặt tên cho cánh này là “đồ hủ nho” , “bọn khuyển nho”… Giờ chúng ta thử bàn thẳng vào thao tác chữ nghĩa của nho giáo.
Khi mới tranh biện, các học giả nho giáo thường đem ký tự ra để chứng tỏ mình nói có sách mách có chữ. Điều này là hợp lý. Nhưng than ôi, chữ Hán cũng thiên biến vạn hóa, lại thêm trình độ của dân Á Đông tam nông, còn nặng về cảm tính nên suy luận kiểu nào cũng được. Chúng ta đã từng chứng kiến các nho gia bình phẩm rất nhiều câu chữ bình thường mà không ngã ngũ được. Ở Việt Nam chẳng hạn, có mỗi câu ca dao “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, vậy mà nho giáo phái đã ào ào cãi lộn không có hồi kết là: Tràng An ở Tầu, Tràng An ở Hà Nội, hay Tràng An ở Huế, hoặc Tràng An ở Hoa Lư, Ninh Bình… Có một điều rất đơn giản mà họ cũng không hiểu được là: Tràng An đó là biểu tượng của kinh đô và thành phố lớn. Tại sao họ kém cỏi vậy? Vì cách học của họ là thuộc lòng rồi tra – trích, chữ thầy trả thầy mà không bao giờ dám suy luận cả.
Sau khi tra cứu kỹ tự, bí lên khi chẳng ai chịu ai do kẻ tán xuôi người tán ngược, những nho gia thường vặn vẹo nhau: anh trích tài liệu nào, tài liệu gốc ở đâu?
Đấy là câu hỏi của mấy thủ thư, giữ ngăn kéo trong thư viện. Và đây cũng chính là trình độ của những hủ nho. Đó là sợ sệt nô tài không bao giờ dám bước qua mũi giầy của ông chủ. Đó cũng là trình độ nấu nướng tỉ mẩn của đầu bếp, biết món này thì cho muối, món kia cho hành, còn món nọ thì phải kèm lá chanh… Lúc bình thường đem kiến thức đó ra để khoe mẽ với ông chủ thì không sao, nhưng khi ông chủ đã bày tiệc , bàn tiệc đã thăng hoa nào rượu, nào đèn nến lung linh, nào lời phun châu nhả ngọc, nào cảm xúc xuất thần, nào những lời bình xét trọng đại, hoặc phút ký hợp đồng sắp sửa bắt đầu… mà đầu bếp lại đến bên to còi khoe công làm bếp, có món rau này xuất xứ từ đâu đang ở bên con cua bò từ hang sâu tới… Lúc ấy thì thật lố bịch.
Trong học thuật và dịch chữ có hai đẳng cấp chính:
1- Đẳng cấp thấp: Dịch chữ chính xác qua chữ, từng chữ một. Đây là đẳng cấp của học trò, vì chưa có độ tự tin về học thuật nên học trò phải trải qua giai đoạn dịch từng chữ một. Đây cũng chính là đẳng cấp dịch thuật của lớp hủ nho chỉ có mỗi một thứ võ chơi bài ký tự.
2- Đẳng cấp cao: Dịch chữ lấy ý tưởng, rồi sau đó là tư tưởng.
Dịch ký tự từng chữ một là cách dịch của kẻ làm bếp biết rõ ràng món này nấu bằng rau gì. Còn dịch chữ của ý tưởng, của tư tưởng là của ông chủ, khi đã ngồi trên bàn tiệc ông thả bổng cho ý tưởng phiêu du để làm nên vương quốc tư tưởng. Cái mà đầu bếp không cách gì tưởng tượng. Đây cũng là cách lý giải tại sao nho giáo hầu như không có nhà tư tưởng, vì đó là cách học và tán chữ của đám đầu bếp, khom lưng uốn gối nô tài. Người Việt có câu “tham bát bỏ mâm”, nói chung giới nho học thường chỉ chú trọng xét nét những tiểu tiết như cái bát nhưng lại bỏ mất đại cục là cái mâm. Cả bài tiểu luận hay cuốn sách của người ta đang nhắm đến những ý tưởng lớn, thì những nho gia này cứ tìm cách bẻ hành bẻ tỏi, tra hỏi những thứ vụn vặt… cái tổng thể lớn thì không lĩnh hội lại chỉ chú mục khoe cái chữ chi li của mình.Thật nhỏ bé hết cỡ!
Trong trích dẫn cũng có hai trình độ tương tự. Học trò thì trích dẫn nguồn tài liệu. Còn các học giả lớn hoàn toàn có quyền trích dẫn ý tưởng, bởi uy tín học vấn của người ta hoàn toàn có quyền chịu trách nhiệm về cách hiểu của mình.
Trong học thuật có ba cấp độ chính:
1- Trí nhớ. Đó là một cái máy ghi âm.
2- Trí tưởng tượng. Đó là miền sáng tạo.
3- Trí phán xét. Đó là khả năng phê bình, trí tuệ bậc thầy.
Cấp độ trí nhớ là cấp độ của Nho học, còn ở đẳng cấp sáng tạo, nói chung trong hơn hai nghìn năm, trí tưởng tượng của nho học dường như không vượt quá bốn câu thơ tứ tuyệt. Mời viết một bài tiểu luận 1500 chữ với nho giáo quả là một thách thức. 

Vậy mà vẫn có người biện hộ, hay cốt gì dài! Than ôi hơn một nghìn chữ cũng là dài ư? Vả lại các cuộc đấu phải có tiêu chuẩn chứ, muốn đi thi hoa hậu mà chân quá ngắn có ai cho thi không? Muốn thi giao hưởng, concerto, hoặc sonnat… mà lại ỉ eo có vài câu nhạc thì ai cho thi?
Ngay cả Khổng Tử, ngoài cái gì xuất sắc của ông ra, nói chung, ông thuộc trí nhớ nhóm một, như chính ông thừa nhận là “thuật nhi bất tác” – tức chỉ trần thuật lại, chép sách để răn dạy đời, chứ không phải sáng tạo. Là người lăn xe khắp nơi trong thiên hạ để đòi một chức quan, phải nói cái chữ nghĩa của họ Khổng cũng đại diện cho cái bả hám quyền nhiều lắm. Giờ cụ thể bàn vào câu: “Hương nguyên đức chi tặc giã” của ông.
Câu này nghĩa đen là : “Nhà quê là hại đức”. Học trò hỏi ông không giải nghĩa, ai ai cũng biết, như trên đã nói, Nho học là sợ sệt và hèn hạ. Khổng Tử không thể nói toẹt vào mặt học trò “nhà quê là hại đức” vì Trung Quốc lúc đó có đến 99% nông dân. Không khéo học trò nổi xung lên đi ton hót với vua chúa, kìa họ Khổng nó khinh vua chúa quê mùa, bị lôi ra chém chẳng phí hoài lắm ru.
Đây không phải là suy luận, trong cách hèn nhát giới Hán tộc và Nho học, thường không dám nói ra điều mình suy nghĩ, lại cứ vòng vo nói ra lời để buộc người khác nói hộ ý của mình, coi như mình đã nói nếu bị rủi ro thì coi như không nói, còn nếu được vinh quang thì câu đó là bản quyền của mình. Có một chứng cứ hết sức sống thực rằng: sau hơn hai nghìn năm, bao nhiêu lớp học trò ưu tú đã kế thừa thầy, nhưng họ đều biết cái khôn của thầy, nên chẳng ai dại gì nói đúng từ đó cả. Giờ chúng ta hãy kiên quyết đặt câu hỏi chữ “hương nguyên” xoay sở mãi thành “hương nguyện”, chẳng lẽ quá khó vậy sao? Chẳng lẽ cần vài nghìn năm để không nhích lên một tí nào? Câu trả lời chắc chắn phải là: đó là sự chứng tỏ: nho học đạo đức giả, hèn mạt, và chịu khó dốt nát đến thế nào! Đây là một suy luận của hiện thực nó không cần phải xem xét đến bất kỳ một ký tự nào!
Còn di sản hủ nho tại Việt nam, có mỗi một từ “vô lại”, bảo người ta dịch không đúng, hiểu không đúng, thì làm sao không chịu dịch lại đúng xem sao?
Người có văn hóa, là người biết “của Sê-da hãy đem trả Sê-da”. Tôi hoàn toàn không biết chữ Hán, tôi cũng biết cái gì thuộc về chữ Hán thì nên để các chuyên gia chữ Hán bàn. Nhưng có một điều này, ngay trong ngôn ngữ tiếng Việt đã chứa đựng hơn 70% tiếng Hán, vậy cho nên không phải cứ biết chữ Hán là người ta có thể thoải mái làm ảo thuật. Vả lại, qua theo dõi rất nhiều cuộc tranh luận của dân Nho học, tôi thấy dường như quí vị chẳng thể ngã ngũ được đề tài nào. Vì sao? Vì rõ ràng các vị chỉ giỏi ký tự mà không có được hệ thống logic của tư duy nhìn xa trông rộng mang tầm phóng tác của ông chủ. Mà đa số quí vị vẫn chỉ mải đếm ký tự rau dưa dưới bếp.
Con người có tư tưởng như hệ thống đường sắt dài vạn dặm. Còn thợ lắp chi tiết có thể thành thạo việc lắp ráp những con ốc, nhưng con ốc còn lâu mới là con đường vạn dặm. Trong cơ quan ai thường giữ sổ sách , số liệu? Đó luôn luôn là thư ký. Lãnh đạo không bao giờ nắm kỹ số liệu như thư ký, nhưng lãnh đạo mới là người có quyền bảo thư ký đem số liệu lên để phục vụ cho công việc kinh bang tế thế. Tỉ mẩn như số liệu, cũng tỉ mẩn như ký tự của hủ nho, không bao giờ kinh bang tế thế được cả. Nên cả vài ngàn năm vẫn cổ lỗ , nô tài và hèn hạ. Chỉ có tư tưởng dám tưởng tượng, dám phán đoán mới kinh bang tế thế được mà thôi.
Mong cho đám hủ nho thức tỉnh!
--------------------
 ant.sưu tầm

Không có nhận xét nào:

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN