Bài Học Phục Vụ: Mc 9,30-37
Đoạn Tin mừng này đánh dấu một giai đoạn quan trọng. Chúa Giêsu rời vùng đất phía Bắc tiến về Giêrusalem, nơi thập già đang đợi chờ Người.
Lời tâm sư của Thầy” Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại”, các môn đệ không hiểu và cũng không dám hỏi lại.Họ đang sôi nổi tranh luận về vương quốc mà Thầy sẽ thiết lập. Ai là thượng thư, ai là bộ trưởng trong vương quốc ấy. Ý nghĩ của Chúa Giêsu đang hướng về thập giá,tử nạn, còn các môn đệ lại tranh cải xem ai được quyền cao chức trọng hơn cả, điều ấy đã làm cho Chúa phải đau lòng biết bao.
Dầu vậy, tự thâm tâm,các môn đệ vẫn biết mình sai trái.Khi Chúa hỏi”dọc đường anh em bàn tán điều gì vậy?” , họ chẳng trả lời.Đó là sự im lặng vì xấu hổ,họ không có lý do gì để bào chữa.
Chúa Giêsu đã giải quyết vấn đề này thật nghiêm chỉnh “Ngài ngồi xuống và gọi các môn đệ tới”.Một Rabi dạy bảo học trò,hay tuyên bố một điều gì quan trọng thì luôn luôn ở tư thê ngồi để giảng dạy.Chúa ngồi xuống thư thái và dạy rằng :”Ai muốn làm người đứng đầu,thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”.Bằng hình ảnh cụ thể,Chúa đem một em bé đặt giữa các học trò,ôm lấy nó và nói :Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy;và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Bài học của Chúa Giêsu hôm nay thật dễ hiểu,nhưng lại khó thực hành.
Như vậy Chúa dạy cho các môn đệ con đường trở nên lớn lao thật sự.Đó là con đường phục vụ.Giá trị của một con người không phải do địa vị mà tuỳ vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.
Người lớn nhất ,người đứng đầu là người phục vụ hết mình.Chức tước ,chức,vụ ,chức vị,chức quyền là phương tiện để phục vụ.Con đường phục vụ thay thế cho tham vọng thống trị.Giúp đỡ tha nhân thay cho tham vọng bắt người khác phục vụ chính mình.
Bài hát”Bài ca phục vụ”với điệp khúc về tinh thần phục vụ như lời réo rắt mời gọi dấn thân quên mình: “Phục vụ là cho không,phục vụ là quên mình,phục vụ không đòi đền đáp,phục vụ ơn nghĩa không chờ.Phục vụ là hy sinh,phục vụ là quên mình.Phục vụ vì Chúa Kitô”.Có lẽ người ích kỷ nhất nghe bài ca này cũng phải thức tỉnh !
Một con người sinh ra lớn lên,miệt mài học hành,trau dồi nhân cách để có thể trở thành một người hữu dụng,có ích cho người khác.Khi họ chết đi,để tưởng nhớ công lao phục vụ,các thế hệ sau đúc tượng,đặt tên đường,đưa tên tuổi vào văn học,chọn những nét son của người đã khuất vào thi ca bài vè và tưởng nhớ muôn đời.Ngay cả những người tự nhận là vô thần cũng biết tạc tượng để kính nhớ,đắp bia để tôn kính các anh hùng liệt sĩ cho dù bia mộ nghĩa trang ấy chẳng có xác người bên dưới.
Những nhân vật thực sự vĩ đại,những con người luôn luôn được mọi người nhớ ơn vì chính họ đã đóng góp cho đời,không phải là những người đã tự nhủ thầm”Ta có thể lợi dụng đất nước này,xã hội này để thêm uy tín cho riêng ta,thực hiện những tham vọng của riêng ta như thế nào đây?”,nhưng tự hỏi”Ta phải dùng tài năng mình để phục vụ quốc gia dân tộc mình như thế nào?”.
Sự vĩ đại của một người không phải là việc ngươi ấy leo lên đến tột đỉnh các nấc thang của quốc gia,xã hội mà là trong sự kiện người ấy luôn sẵn sàng phục vụ quốc gia xã hội đồng bào mình bất cứ lúc nào và ở đâu.Phục vụ không vị kỷ,không ghen tương.Người Hy-lạp có một câu chuyện về một người ở Sparta tên gọi Paedateros là một ứng cử viên lãnh đạo.Người ta chọn và bầu ra ba trăm người để cai trị Sparta.Khi danh sách những người trúng cử được công bố, không có tên ông.Một bạn thân của ông ta nói :”Tiếc thật,người ta không bầu cho anh,thiên hạ không biết nếu bầu cho anh,anh sẽ là một chính khách lỗi lạc đến thế nào”.Nhưng Paedateros thản nhiên đáp:”Trái lại,tôi rất vui vì trong xứ Sparta này còn có ba trăm người có tài ,có đức hơn tôi”.Câu chuyện đi vào truyền thuyết vì sự cao thượng của người sẵn sàng nhường ngôi vị hàng đầu cho kẻ khác mà không hề tỏ ra cay đắng.
Giáo hội tuyên phong một người lên bậc hiển thánh chung quy cũng là tuyên dương tinh thần phục vụ của người ấy vì Nước Chúa.Phục vụ để trở nên phong phú ,có giá trị,nên hoàn thiện và trở nên gần Chúa Giêsu hơn.Vì Chúa đến “không phải để được phục vụ mà đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20,25-28).Chúa đến “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).Tinh thần phục vụ của Chúa được thể hiện rõ nét nhất trong cử chỉ rửa chân “Nếu thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em phải rửa chân cho nhau …(Ga 13,14-15),phục vụ lên đến tuyệt đỉnh trong hành vi tự hiến “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13)
Chúa Giêsu đã sống vô cùng nhân hậu.Suốt cuộc đời Người là tấm gương nhân hậu.Giáo lý của Người đặt trọng tâm vào lòng nhân hậu.Mô hình Người nêu lên để đào tạo tông đồ là con người nhân hậu,tức là Đấng chăn chiên tốt lành,đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ.Vì thế phục vụ là một cách thế hay nhất để biểu lộ lòng nhân hậu.Thánh Giacôbê đã diễn tả rất cụ thể:”Giả như có người anh em không có áo che thân,không đủ của ăn hàng ngày,mà có ai trong anh em nói :Hãy đi bình an,mặc cho ấm và ăn cho no nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần thì nào có lợi gì”.Chỉ có những người phục vụ người khác,nhất là những người nghèo,nghèo vật chất ,nghèo tinh thần với tấm lòng nhân hậu thì mới tìm được hạnh phúc đích thực và xứng đáng là môn đệ Chúa Kitô.
Giá trị của một con người không phải do địa vị mà tuỳ vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó. Bài học phục vụ thật dễ hiểu mà lại thật khó thực hành.
Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét