Hình ảnh ngư dân bên biển hồ Ga-li-lê thật đẹp làm
sao ! Tôi tưởng tượng trong cảnh chiều tà quanh biển hồ có chiếc thuyền mộc
ra khơi thả lưới : còn chút nắng chiều lấp lánh dưới làn sóng nhè nhẹ, ngư
phủ tận tụy buông từng mắt lưới, càng ra xa bờ chiếc thuyền mộc càng cảm thấy
đơn côi, trong niềm hy vọng bắt được mẻ cá lớn cho phiên chợ ngày mai, người ngủ
phủ quên đi mệt nhọc lao công, hăng say thả lưới…
Tôi nhớ về Yên Hòa, vạn chài quê tôi cũng với những
hình ảnh đó, tuy không phải là biển hồ Ga-li-lê, nhưng con sông Ngàn Phố với
nét trầm lắng của nó gợi lên cho tôi đôi nét tương đồng. Đặc biệt tôi nhớ quê
nhà bởi bởi những ngư dân chất phác giản dị, có điều gì đó rất giống với ngư phủ
bên biển hồ Ga-li-lê, ngư phủ Phê-rô.
Vâng, xa thật xa rồi câu chuyện Phê-rô, ngư dân biển
hồ Ga-li-lê. Song, câu chuyện còn đó, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia kể lại. Người
ta không biết nhiều về cuộc sống của Phê-rô khi ông còn là một ngư phủ, bởi
cũng như bao ngư dân khác, họ không có nhiều cơ hội thành danh qua con đường học
vấn. Ngày qua ngày sống lênh đênh trên chiếc thuyền mộc, điều họ biết chỉ là thả
lưới giăng câu ; đánh bắt cá đích thực là niềm vui âu cũng là lẽ sống của
họ. Họ hài lòng với cuộc sống giản dị, an vui trong mọi hoàn cảnh, dẫu phải thức
thâu đêm mà không đánh bắt được bao nhiêu. Có lẽ xuất phát từ những điều giản dị
đó, điều tuyệt vời xuất hiện, tiếng gọi đến từ Giê-su : các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các
anh thành những kẻ lưới người như lưới cá ( Mt 4, 19) .
Tin Mừng kể lại ơn gọi Phê-rô chỉ trong ít câu
văn, song khi suy gẫm những gì được diễn tả trong đó, người ta cảm nhận được thật
nhiều điều giá trị. Trước hết phải nói rằng Phê-rô chấp nhận một cuộc phiêu
lưu, theo một tiếng gọi trong khi chưa biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu. Giê-su,
Người là ai ? Ba mẹ tôi, anh em tôi, nghề nghiệp tôi còn đó ! Trong chốc
lát, sao tôi có thể từ bỏ tất cả để bước theo Người ? Thử đặt mình trong
hoàn cảnh Phê-rô lúc bấy giờ, có lẽ ai cũng tự chất vấn mình như thế. Không rõ
Phê-rô có tự chất vấn mình trước khi bước theo tiếng gọi đến từ Giê-su ?
Nhưng điều mỗi chúng ta thấy là Phê-rô có tâm huyết biến đổi nghề nghiệp mình từ
« lưới cá » sang « lưới người ». Bởi Phê-rô nhận thấy sự cần
thiết cho một lẽ sống đích thực, lẽ sống sâu xa hơn từ những gì diễn ra xung
quanh đời sống thường ngày. Lẽ sống ấy, cách nào đó tiềm ẩn trong cõi lòng
Phê-rô, ngọn lửa le lói từ bấy lâu, nay có dịp cơn gió thoảng qua và ngọn lửa
bùng cháy. Cơn gió ở đây chính là tiếng gọi của Giê-su, tiếng gọi ấy đổi mới tất
và gieo niềm hy vọng lẽ sống đích thực cho hết mọi người.
Phê-rô đã đi bước trước, nêu gương sáng cho hậu thế :
can đảm bước theo Giê-su với tất cả những gì mình có : yếu đuối, nghèo
hèn, tội lỗi, bất xứng, chối từ, nóng giận…tất cả phó thác nơi Giê-su, Người sẽ
biến đổi, thay vào đó bằng lẽ sống của Chính Người : « Yêu Mến Thiên
Chúa là Cha hết lòng, hết sức lực, hết trí khôn, và yêu thương người thân cân
như chính mình ».
Nét đẹp ngư dân là thế, từ điều giản dị chất phác,
bước theo tiếng gọi Giê-su, và Người biến đổi những nỗi yếu hèn của chúng ta
thành những gì có ích cho cuộc sống mai ngày, cho sự sống « hưởng ơn cứu
độ ». Đừng ngần ngại khám phá tiếng gọi của Giê-su trong thế giới hôm nay
bạn nhé, qua những sự kiện thường ngày, qua những dấu chỉ thời thế, trong đó
luôn tiềm ẩn tiếng gọi của Giê-su, người
bạn đường hết mực yêu mến nhân loại, và Người luôn kêu gọi, như ai đó đã chia sẽ :
Giê-su mời gọi người khiêm tốn, ít khả
năng, và Người sẽ làm giàu khả năng cho những người được mời gọi.
Yên Hòa, nét đẹp ngư dân, cùng với Giáo Hội hoàn vũ mừng Bổn Mạng Thánh Phê-sô, trong niềm vui và hy vọng, chúng ta cùng nhìn lại đường đời Phê-rô để làm đẹp cuộc sống hôm nay, ngày mỗi đẹp hơn theo Thánh Ý Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện, xin Thánh Quan Thầy nhìn đến giáo họ, xin Ngài tiếp tục nâng đỡ đường đời mỗi thành viên Giáo Họ Yên Hòa. Và như thế, nét đẹp ngư dân Yên Hòa sẽ cùng hòa nhịp vẻ đẹp ngư phủ Phê-rô xưa, dấn thấn cho " Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến" trong chúng ta và quanh chúng ta.
thân ái!aantvolo