Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

CHÚA NHẬT LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT


LỄ PHONG THÁNH GIOAN XXIII & GIOAN PHAOLÔ II

BÀI GIẢNG CỦA GIÁO HOÀNG PHANXICÔ

       Chúa Nhật kết thúc tuần Bát Nhật Phục Sinh, Chúa Nhật mà Thánh Gioan Phaolô II đã dành tưởng niệm Lòng Chúa Thương Xót, trọng tâm của Chúa Nhật hôm nay là những thương tích vinh hiển nơi Chúa Giê-su, Đấng Phục Sinh. 
      Ngay từ lần đầu hiện ra với các môn đệ, vào tối hôm đó, ngày sau ngày Sabat, ngày Chúa Phục Sinh, Người đã cho các môn đệ thấy những vết thương. Tối hôm đó, như chúng ta vừa nghe, Tôma không ở cùng với các môn đệ ; các môn đệ đã kể lại cho Tôma việc họ thấy Chúa, song, Tôma trả lời: « nếu tôi không thấy, không đụng vào những thương tích của Người thì tôi chẳng tin ». Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra cùng các môn đệ trong phòng tiệc ly, lần này có Tôma ở cùng; Chúa bảo Tôma sờ vào vết thương của Người. Và rồi Tôma, con người thành thật này, có thói quen xác tín mọi sự theo tính cách riêng, đã quỳ gối trước Đức Giê-su và thưa rằng : « lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con » (Ga 20,28).
       Những vết thương của Chúa Giê-su là một thách đố cho niềm tin, song, những thương tích đó cũng là sự xác tín cho niềm tin. Bởi thế, trong thân xác của Chúa Phục Sinh, những thương tích không biến mất, chúng hiện diện vì đó là thương tích của một tình yêu bền vững mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, những thương tích cần thiết để tin vào Thiên Chúa. Không phải để tin rằng Thiên Chúa tồn tại mà tin rằng Thiên Chúa là Tình Yêu, Giàu Lòng Thương Xót và luôn Trung Tín. Thánh Phê-rô lấy lại lời ngôn sứ I-sai-a, gởi cho các tín hữu : « vì Người đã phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành » (1Pr 2,24 ; Is 53,5). 
      Thánh Gioan XXIII và Thánh Gioan Phaolô II không ngại nhìn ngắm những thương tích của Chúa Giê-su, các ngài can đảm đụng vào vết thương nơi tay Người và nơi cạnh sườn bị xuyên thâu. Hai Thánh đã không hổ thẹn vì thân xác Chúa, không phẫn nộ vì Người, vì thập giá của Người; không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục ( Is 58,7), vì các Thánh nhìn thấy Chúa Giê-su trong mọi người, những người chịu khổ đau. Các ngài là những người đầy can đảm, đầy ơn Thánh Thần, làm chứng cho Hội Thánh và cho mọi người về sự Tốt Lành và Lòng Thương Xót của Chúa. 
       Các ngài là những linh mục, giám mục và giáo hoàng của thể kỷ 20. Các ngài đã sống những biến cố của thế kỷ, song không bị chồn vùi bởi những tấn bi kịch. Đối với các ngài, Thiên Chúa luôn mạnh mẽ hơn mọi sự; Niềm tin vào Chúa Giê-su, Đấng Cứu Chuộc nhân loại, niềm tin vào Chúa của lịch sử luôn mãnh mẽ hơn mọi sự ; bởi năm vết thương của Chúa, ở đấy, Lòng Thương Xót Chúa luôn mạnh mẽ hơn mọi sự ; và sự gần gũi bên Mẹ Ma-ri-a luôn mạnh mẽ hơn mọi sự. 
     Nơi hai thánh nhân, việc chiêm ngắm thương tích của Đức Ki-tô, chứng tá của Lòng Thương Xót Chúa trở nên niềm «hy vọng sống động » với một “niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang » ( 1Pr1,3.8). Nguồn hy vọng và niềm vui phục sinh mà Đức Ki-tô đem đến cho các môn đệ, không gì và không ai có thể tước lấy khỏi họ. Niềm hy vọng và niềm vui phục sinh đã được tôi luyện trong sự hy sinh, sự từ bỏ, dứt khoát hoàn toàn với tội lỗi, đến mức phải chán ngán « vị của chén đắng » (even to the point of disgust at the bitterness of that chalice). Niềm hy vọng và mừng vui mà hai Thánh Giáo Hoàng đã đón nhận từ tặng phẩm của Chúa Phục Sinh, từ đó các ngài thuyên chuyển cho dân Chúa, và rồi các ngài xứng đáng hưởng thưởng ân phúc muôn đời.
     Chúng ta vừa nghe sách Công vụ Tông Đồ đề cập đến Cộng đoàn tín hữu đầu tiên ở Giêrusalem, họ đã biểu lộ niềm hy vọng và mừng vui này ( xem Cv 2, 42-46). Đó là cộng đoàn đã sống đúng với trọng tâm của Tin Mừng: tình yêu và lòng thương xót, sự đơn sơ và tình huynh đệ. 
      Đó cũng là hình ảnh mà Công Đồng Vatican II đã lấy làm gương mẫu. Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II đã cộng tác cùng với Chúa Thánh Thần để canh tân và cập nhật tính hiện thời cho Giáo Hội theo diện mạo cộng đoàn tín hữu ban đầu, một diện mạo đã dâng hiến cho Giáo Hội những vị thánh qua dòng lịch sử. Chúng ta không quên rằng họ là những vị thánh đã đi bước trước để dẫn đường và làm cho Hội Thánh lớn mạnh. Trong việc triệu tập Công Đồng Vatican II, Thánh Gio-an XXIII đã cho thấy sự cởi mở tinh tế trong việc đón nhận thánh ý Chúa Thánh Thần. Ngài để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt và ngài trở nên mục tử của Hội Thánh, người « tôi tớ-dẫn đường » ( servant-leader), dẫn dắt bởi Thánh Thần. Bởi vậy, ngài đã phục vụ Hội Thánh với tấm lòng tuyệt hảo. Với lý do này, tôi muốn nghĩ về ngài như là vị Giáo Hoàng của vâng phục, người con thảo của Chúa Thánh Thần. 
      Trong việc phục vụ dân Chúa, thánh Gioan Phaolô II trở nên như là vị Giáo Hoàng của gia đình, có lần ngài nói về mình như thế : ngài muốn rằng người ta sẽ nhớ đến ngài như là vị Giáo Hoàng của gia đình. Tôi thấy vui khi nhấn mạnh điều này, lúc mà chúng ta đang trong hành trình cùng với các gia đình, hướng đến Đại Hội thế giới các gia đình,(đại hội thế giới các gia đình lần thứ VIII sẽ diễn ra tại Philadelphia, Hoa Kỳ từ ngày 22 đến 27 tháng chín 2015). Chắc chắn rằng, từ trời ngài sẽ đồng hành và trợ giúp các gia đình trong hành trình này. 
     Ước mong hai vị thánh mới, hai vị Mục Tử của dân Chúa cầu bầu cho Giáo Hội, để trong hành trình hai năm hướng tới đại hội, Hội Thánh biết tuân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong việc mục vụ tông đồ hướng đến các gia đình. Nguyện ước hai Thánh chỉ dạy chúng ta biết đón nhận những thương tích của Đức Ki-tô và đi vào trong mầu nhiệm của Lòng Chúa Thương Xót, nơi chúng ta luôn hy vọng, và luôn được thứ tha, bởi vì Chúa yêu thương ta luôn mãi.

chuyển ngữ theo
                                                                                                                        thân ái
                                                                                                                       aantvolo

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN