LƯỢC SỬ GIÁO HỌ YÊN HÒA
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiUzKpgIC63ut-vEOotkXAQXCRwYkGxXH55U6ndEiSmIROt4CN7KiWPnJ_cyw5KJPDyHMGqxBvNw2MN_ruCHEO8sdpJtud_v6RWBmj5bgn8gUVNYqJ_6epAi7IeCxrK_DAXkT_oc4FZsUto/s200/11143285_856206087786257_5473149936684689736_n.jpg)
Trong niềm vui mừng lễ quan thầy Thánh Phê-rô và Phao-lô vào ngày 29/06/2015, Yên Hòa tiến tới kỷ niệm trăm năm ngày giáo họ được thành lập: 1915-2015. Tìm hiểu thông tin từ tờ khai quý giá mà giáo họ còn lưu giữ, cùng với lời kể của cụ ông cụ bà như những chứng nhân lịch sử, xin trình bày đôi nét lược sử về giáo họ qua đó thể hiện tâm tình biết ơn bậc tiền nhân và biết trân trọng hơn những gì có được ngày hôm nay.
nhà thờ cũ Yên Hòa |
Tờ khai về gốc tích giáo họ được viết với thể văn
xuôi, hành văn theo tiếng địa phương đề cập đến 6 vấn đề chính : thứ nhất
về gốc tích người Yên Hòa, thứ hai nói đến bối cảnh sống, thứ ba thống kê một
vài con số về người, của cải và đất đai của giáo họ, thứ tư nói đến tính cách
người Yên Hòa, thứ năm nói đến tình trạng thất học của con cái, và sau cùng là
mô tả về ngôi nhà thờ của giáo họ.
1.
Về gốc tích
Tờ khai đề cập đến ba địa danh có thể được xem là
gốc gác người Yên Hòa : Hương Khê, Hà Phù và Thanh Lương. Họ là những người
vạn chài tụ tập về làm ăn sinh sống phía hạ nguồn sông Ngàn Phố gọi là Vạn Nầm.
Gần Vạn Nầm có giáo xứ Đông Tràng, tên gọi cũ là Vạn Tác, là một trong những
giáo xứ có bề dày lịch sử nhất của giáo Phận Vinh, giáo xứ này được thành lập
trước khi thành lập giáo Phận Vinh (1846). Theo sử sách thì Đông Tràng và Thọ
Ninh là một trong hai giáo xứ đầu tiên được các nhà thừa sai thành lập trên đất
Hà Tĩnh. Đến nay 2015, Hương Sơn có 5 giáo xứ và có thể nói Đông Tràng là xứ mẹ
nơi sinh thành những người con : Kẻ Đọng, Kẻ Mui, Kim Cương và Khe Sắn.
Giáo xứ Đông Tràng có một bề dày lịch sử như đã
nói trên, điều đó có nghĩa từ những năm trước 1846 đã có những vị thừa sai đến
nơi đây và rồi từ các cuộc bách hại đạo công giáo liên tiếp sau đó, các vị chủ
chăn cũng như người tín hữu đã chọn nơi đây để lánh nạn. Trong khi lánh nạn dù
sống dưới điều kiện nào họ luôn thực hành niềm tin qua các sinh hoạt tôn giáo,
vì thế số người trở lại đạo mỗi ngày tăng lên. Giáo xứ Đông Tràng trở nên đông
đúc, có người đi ngược về xuôi. Trong đó có người Vạn Nầm quyết định ngược nguồn
kiếm kế sinh nhai.
Lúc này 1913 giáo xứ Kẻ Mui đã được tách từ xứ mẹ
Đông Tràng. Tờ khai nói đến người Vạn Quát và Vạn Tân Mỹ là những người thuộc
giáo xứ Kẻ Mui. Người Vạn Quát thực ra cũng là người từ Vạn Nầm lên và cũng là
người có gốc từ Hương Khê, và Thanh Lương. Còn Vạn Tân Mỹ gốc là người Hà Phù.
Cả ba họ Vạn Nầm, Vạn Quát và Vạn Tân Mỹ lúc bấy giờ đều là ngư dân. Khi người
Vạn Nầm lên làm ăn nơi thượng nguồn nên tham gia các sinh hoạt đạo ở xứ Kẻ Mui,
dần dà lập thành giáo họ Yên Hòa, lúc này bến làng còn có tên gọi là Yên Hội.
Tên gọi Yên Hòa rất đẹp, tiếc là không biết được chính xác thời điểm nào, người
Vạn Nầm có được cái tên gọi thân thương này, và cũng không rõ ai đã chọn cái
tên này. Tên gọi là một từ ghép hán việt đến từ hai chữ « bình yên »
và « hòa thuận ». Theo ngữ nghĩa đó, Yên Hòa diễn tả thật hay ý nghĩa
cuộc sống vạn chài : khát vọng về một cuộc sống an vui trong đó con người
tìm thấy sự hài hòa với thiên nhiên, cũng như người với người sống hòa hợp «
trên thuận dưới hòa », đồng lòng và chung chí hướng dựng xây quê hương.
2.
Hoàn cảnh lịch sử
rước kiệu trên sông Ngàn Phố 1998 |
Năm 1913 là năm duy nhất được đề cập đến trong tờ
khai. Mốc thời gian này cho phép tìm hiểu những thông tin, những sự kiện diễn
ra vào thời điểm đó. Chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra từ 1914-1918. Trong
thế chiến này, Pháp khai thác tài nguyên cũng như nhân lực các thuộc địa để phục
vụ cho chiến tranh, trong đó có hàng ngàn binh lính và lao công người việt. Vì
thế phòng trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp diễn ra khắp nơi. Trước vấn nạn
thực dân Pháp, triều đình nhà Nguyễn (1802-1945) không mở rộng ngoại giao,
không cải cách trong nước, ngược lại tự cô lập và do việc thiếu hiểu biết về đạo
công giáo, coi đạo công giáo là tà đạo, triều Nguyễn tiếp tục thực hiện chính
sách cấm đạo công giáo với những cuộc giết hại tàn bão (các chế độ phong kiến
trước đó đã ra 13 chỉ dụ cấm đạo). Vì thế người công giáo Việt Nam lúc này phải
đối diện cùng lúc hai gánh nặng : sự đàn áp của thực dân Pháp và sự bách hại
của triều đình Nguyễn. Bối cảnh trên cho thấy rằng, cuộc sống người dân việt
lúc này rất cơ cực, hơn hết những người sống cho niềm tin Ki-tô giáo, người Yên
Hòa không ngoại lệ.
Tờ khai đề cập rất nhiều về sự bắt bớ, chém trảm
người có đạo diễn ra trên lưu vực sông Ngàn Phố, có thể diễn ra từ những năm cuối
thế kỷ mười chín, trong đó người Vạn Nầm, sau là người Yên Hòa trở nên nạn nhân
thường xuyên của những cuộc bách hại này. Nguyên văn tờ khai nói đến việc những
người bị giết hại như sau:
« Đến năm giáp tuất thì làng Nầm mới phải thiệt
hại, lúc ấy có Cao hồ Tố gọi là Năm Thiệu, và cố Bang Cẩu là người mô bên Thanh
Chương võ Liệt khí nghĩa, cho được sát tả bình tây, lúc có mấy nhà có đạo họ Nầm
lên làm ăn đàng qui Chu, thì đã có 6 người bị Bang Cẩu giết tại vạn Sẻ, là 2 vợ
chồng ông Tần và một đứa con, hai vợ chồng ông Tăng, và ông Điểng, lại có 4 mẹ
con mụ Điểng, 2 anh em ông Điều, 2 vợ chồng ông Lệ, 2 vợ chồng ông Giáo, 3 người
nhà ông Nhự cũng phải tay Bang Cẩu giết, tại Bồi chân vạn, giữa chợ Hiếu thuộc
Qùi Chu, rồi sau nó nghe tin bên Hương Sơn có đội Lựu về Phúc Dương cũng mở cờ
khí nghĩa, thì nó kéo qua truông hồng, rồi qua truông Mung mà sang, nó lại bắt
3 cha con ông Quí, danh Ngụ là con ông Điều, Danh Khiêm, là kẻ có đạo họ Nầm, rồi
có điệu lên yên hạ, tại tộc bến đó kia rày tục hiệu là cầu Chàm kết mà chám ở
đó »
Năm giáp tuất sau 1913
thì sẽ là năm 1934. Thời điểm này phong trào nông dân bùng nổ dữ dội, chẳng hạn
phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh từ những năm 1930 diễn ra tại các làng mạc Nghệ An
và Hà Tĩnh, nông dân biểu tình, có vũ trang kéo đến tỉnh lị đòi giảm sưu thuế,
chống chế độ quan quyền cổ hủ. Tham gia vào kháng chiến chống thực dân, người vạn
chài dùng nôốc ( thuyền : vừa là phương tiện hành nghề sinh sống, vừa là
nhà ở ) vận chuyển « quân quốc lương
thực, khí giới » cho các vùng thuộc lưu vực sông Ngàn Phố. Đời sống đạo
lúc này phần nào được cải thiện nhờ sự hiện diện đông đảo của các nhà truyền
giáo, trong đó phải kể đến những tập thể hội dòng như : hội Thừa Sai
Paris, dòng Đa Minh, dòng Tên, dòng Phanxicô…, nhưng quan quân địa phương vẫn
luôn tìm cách chèn ép đàn áp các tín hữu, một phần vì ngu muội, một phần tìm lợi
lộc cá nhân. Chuyện kể lại trong tờ khai nói lên điều đó, xin trích nguyên
văn :
« có tên xa xiển vô đạo, về thôn Đa Liệu, rày xa cách đồn Phố Châu
chừng hai cật kilometrer nó có mắc nợ mới Ngọc là người có đạo làng Nầm 100
quan tiền và 40 thúng lúa, thì nó mới toan mưu mà bắt cùng nật mới Ngọc cho tổng
thổng bên giặc là cậu năm Thiệu, cho nó giết để anh ta khỏi trả nợ ấy, vì vậy mới
Ngọc phải chém tại khe hói Mói rày là đất Bang tốn khẩn thuộc về địa phận tỉnh
Diệm, đoạn nó kéo ngược khi tới Hà Chua, thì lại chém 2 người bổn đạo làng Nầm
là mới Chinh, cùng ông Ngân là cha ông trùm cát họ Yên Hoà bây giờ, khi ấy rồi
còn đóng đó một đêm , đoạn mới kéo thẳng Hà Trai, khi tới Hà trai rồi, thì kẻ
có đạo họ Nầm mới cơ cực hơn, là ở đó nó chém hết 52 người cả nam phụ lão ấu,
còn răng nấy kẻ tra con nít, thì nó lại đem lên bãi Hà Vừ mà chém, song không
biết mấy người cho rõ, nó chọn lấy 2 người là thứ con trai ít tuổi và đàn bà
còn trẻ tuổi, cùng thứ con gái xinh giỏi thì nó đem theo lên mường mà gả bán,
thứ thì lấy bạc, thứ thì lấy súng »
3. Vài thông
kê về Yên Hòa lúc bấy giờ
Tờ khai viết :
« Người
trong họ Yên Hoà rày được 269 người, kém hơn trước nhiều, vì phải một hai năm mới
rồi chết quá nhiều, vì chứng Hoa đậu, của cải nhà thờ không có chi, chỉ có 3
sào của nhà chung cho mà lập nhà thờ, và họ có tậu thêm vào đó một sào rưỡi nữa,
còn về họ thì có sào ngư 2 sớ, ruông đợ 7 sào và đất tạu nhà chung 1 sào rưỡi
và tiền cả nợ nần mô chừng 300 quan, còn thứ tiền trình sổ năm ngoái đã tậu đi
500 quan, tiền vuông rồi ».
Chúng ta biết nạn đói năm Ất Dậu 1945 là một thảm họa lịch sử mãi ghi dấu trong ký ức người Việt, nạn đói cướp đi hơn hai triệu người dân. Nhớ về nạn đói, trong ký ức của mục sư Lê Văn Thái, hội trưởng Hội thánh Tin lành Việt Nam thời kỳ 1942-1960 có đoạn viết:
"Tôi
thường nghe tiếng rên xiết của những người sắp chết, thấy những đống thịt quằn
quại gần những xác chết, nơi này 5-3 xác chết, chỗ khác từng đống người sống nằm
lẫn với người chết. Trên những đoàn xe bò đầy những xác chết, mỗi xe chỉ phủ một
chiếc chiếu, trong những cái hầm mấy trăm xác chết mới lấp một lần. Một vài lá
cải thối trong đống rác, một vài hột cơm đổ bên cạnh vò nước gạo thì họ kéo
nhau từng lũ đến tranh cướp".
Nguyên nhân trực tiếp của nạn đói là do
phát-xít Nhật và chủ nghĩa thực dân thực hiện chính sách vơ vét thóc gạo lúa,
cùng lúc do thiên tai lũ lụt gây mất mùa màng và bệnh dịch tả bùng phát lây lan
nhanh. Tờ khai nói đến chứng Hoa Đậu, và số người chết quá nhiều trong một vài
năm, nên rất có thể con số được ghi nhận trong tờ khai là sau năm 1945.
Cùng với việc có được đất đai làm
nhà thờ, thì một số ít vạn dân cũng lên bờ sinh sống, kiếm đất đai làm nhà cửa.
Song, nghề nghiệp thì vẫn luôn là chài lưới trên sông. Vì vậy đời sống sinh hoạt
tôn giáo của dân vạn chài diễn ra theo lịch phụng vụ, tụ tập rồi phân
tan : cứ mỗi dịp lễ lớn, đặc biệt là những tuần làm phúc, người vạn chài
đưa nôốc về hội tụ cùng nhau tại bến làng Yên Hội, khi hết lễ thì kẻ chống ngược
người chèo xuôi tùy tình thế và địa bàn làm ăn mà mỗi người đã quen biết.
4.
Tính cách người làng vạn
Người làng vạn lớn lên cùng sông
nước, nên sự am hiểu về sông suối ngọn nguồn xem như là sở trường của họ. Thường
xuyên đối diện với mưa gió bão lũ nên người làng vạn học được tính can trường
và bền chí. Vì cùng là ngư dân, nên có điều gì đó rất giống với thánh Phê-rô,
ngư phủ biển hồ Ga-li-lê xưa. Họ là những người chất phác đơn sơ, nhiệt tình và
hăng say lao công. Đặc biệt rất cởi mở trong lối sống, ít tằn tiện chắt lót nên
nghèo vẫn cứ hoàn nghèo nhưng luôn vui tươi, bằng lòng chấp nhận với những gì
mình có. Phần đạo nghĩa thì sốt sáng kinh hạt sớm hôm. Tham gia tích cực các
sinh hoạt giáo họ giáo xứ. Bên cạnh những đức tính tốt đẹp trên, tờ khai không
che dấu những yếu điểm của người làng vạn, trích nguyên văn :
« nguyên bản tính đàn ông làng vạn, thì mê uống
rượu rồi đập đánh nhau, đàn bà thứ ưa đôi lai đôi mách, và hay chưởi mắng nhau,
song hai tính ấy, là rượu và mu chưởi, có sửa được ít nhiều. Còn sự xưng tội chịu
lễ về đàng đàn bà con nít được ba phần chăm, còn một phần sưa sưa một năm chừng
4 lần, còn đàn ông thì 1 phần một năm 2 lần một phần khác thì thường một năm chừng
4, 5 lần »
5.
Con em thất học
Tờ khai viết :
« Vả
lại về phần chữ nghĩa nghi cũng kém lắm, vì bản tính nhà vạn ưa bát cạy, lặn lội
hơn là chữ nghĩa văn vật, có được một người là Võ Sum có vào đệ nhị, đệ nhất một
hai kỳ, song không độ, rồi cũng bỏ »
Hoàn cảnh thực tế cho thấy người làng vạn ít
có cơ hội học tập. Nếu phân tích theo nguyên nhân chủ quan thì ta thấy rằng :
đời sống sông nước thì họ chẳng cần chi chữ với nghĩa, với họ điều quan trọng
là biết chống chèo, thả lưới giăng câu, biết được lịch trình con sông, con nước,
nắm bắt được thời vụ con cá, con tôm. Người vạn chài mãi bận tâm với nghề sống
nước, vì thế đôi lúc thiếu tầm nhìn về tương lai. Nguyên nhân khách quan thì có
nhiều : đời sống dân sinh lúc bây giờ còn yếu kém, hệ thống trường học chỉ
có một vài nơi, rồi thù trong giặc ngoài; chính trị nhà nước non yếu, thiếu người
có đức có tài lo cho công việc tập thể, xây dựng một xã hội tiên tiến. Vì thế
không chỉ những con cái vạn chài không có cơ hội đi học, mà hầu hết ở các làng
quê tình trạng thất học của con em chiếm tỉ lệ rất cao.
Nhưng không vì thế mà người làng vạn trở nên
bi quan, nhìn đời nhìn người cách tiêu cực. Ngược lại họ rất lạc quan về lối sống,
quan tâm đến đồng loại. Họ cũng được phú bẩm về sự nhạy bén, biết xoay xở kiếm đường mưu sinh, tìm tương lai. Vì thế dù
hoàn cảnh nào, sống ở đâu họ luôn đoàn kết xây dựng, nói chung rất cởi mở trong
việc hội nhập và biết cách đáp ứng với môi trường mới. Tờ khai viết thêm :
« Con trẻ trong họ cũng nói được siêng học,
song không học được mấy chút, vì phải đi theo cha mẹ làm ăn tan tác, không mấy
khi hội về được, cho nên quanh năm học được 2 kỳ làm phúc và học với thầy biện
cũng được chừng vài tháng nữa mà thôi ».
6.
Mô tả về ngôi nhà thờ lúc ban đầu
Nguyên văn tờ khai :
« Nhà thờ họ có được 5 gian nhà gỗ,
lợp tranh rày cũng đã hơi cũ, mọi người xem lễ đọc kinh cũng vừa chật là của họ
đậu hiệm đóng góp mà làm, khi nhập lại thì vạn Tân Mị và vạn Quát có của mà xuất
cấp, còn họ van Nầm không có nên có cái nương nhà thờ cộ khi trước tại kẻ Sét
có bán cầm đi 308 quan mà phụ cấp với vạn mà làm. Có bàn thờ thường không cộ, một
bộ khuôn giấy, 3 đôi chân nến sơn thiếp khá, 3 tượng gỗ tạc .v.v. và đàng câu
rút cũng khá »
Ngôi nhà thờ trên rất có thể được
làm từ sau 1945. Các cụ kể lại thì ngôi nhà thờ được làm do bảy cố người vạn
chài. ( Sẽ bổ sung cụ thể hơn khi có thông tin về thời điểm và công việc làm
ngôi nhà thờ 5 gian gỗ trên. Hiện nay, cột gỗ và những thứ khác của ngôi nhà thờ
trên vẫn được lưu giữ tại giáo họ)
Các cụ kể rằng, vào khoảng những
năm 1980 người vạn chài tham gia vận chuyển gỗ cho lâm trường, từ Hà Tân về Bến
Thủy. Cán bộ xã cũng quan tâm và lo cho sự an cư lạc nghiệp thay vì mãi chống
chèo trên sông nước. Ở Rú Lả, thuộc Sơn Ninh lúc bấy giờ vẫn còn đất đai trồng
trọt. Nên xã muốn dân vạn chài về đó định cư, cùng với đó có họ Vạn Tân Mỹ ( hiện
nay là họ Trang Mỹ). Có một số người xuống định cư làm nhà ở, trồng trọt; một số
đi ngược về xuôi cập bến ghé thăm rồi gởi con em đi học nơi những gia đình họ
hàng; một số vẫn trung thành với giáo họ đã lập trên vùng Vạn Quát. Trong lúc
này phần nào giáo họ Yên Hòa sống hơi tản mác. Khi lâm trưởng giải thể, người vạn
chài không còn việc vận chuyển gỗ về xuôi. Ở Vạn Mỹ làm ăn khó khăn, người vạn
quyết định trở về bến cũ trên vùng hạ quát, từ đó Yên Hòa ồn định dần cuộc sống
theo làng xã, người ta gọi là làng vạn. Tên hành chính là xóm 13, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Phần II. Yên Hòa của hôm qua
Sau nhiều thăng trầm của cuộc sống,
Yên Hòa tuy đã có bến đỗ bình an nhưng tiếp tục mưu sinh trên sông nước. Bên cạnh
đó người làng vạn cũng tìm nhiều phương kế khác để làm ăn. Thời điểm những năm
1990, nhiều người làng vạn đi khắp mọi ngọn nguồn sông nước để săn bắt con rái
cá lấy da (người vạn gọi là con tấy). Họ lập thành nhóm từ 3 đến 10 người, thường
là người cha hoặc thanh niên mạnh khỏe. Mỗi người chuẩn bị những đồ dùng cần
thiết cho hành trình sống chừng một tháng trong núi rừng, khe suối. Nhiều chuyện
may rủi diễn ra. Sau hành trình dài ngày, có những nhóm trở về tay không, cũng
có những nhóm trở về với thành quả khá giả : dăm ba cái da đen, vài ba cái
da trắng. Lúc đó giá cả da trắng cũng khá cao, chừng vài ba triệu tùy vào độ rộng
dài của da, da đen chỉ được vài ba trăm.
khuôn viên trước ngôi nhà thờ cũ |
Cùng thời điểm đó, có những gia
đình sống chết vì hươu. Những năm 90 người ta còn nhớ giá trị mỗi con hươu lên
đến 50-60 triệu. Sở dĩ hươu đắt là vì người ta đồn đoán về tác dụng của nhung
hươu có thể chữa được bách bệnh, nam phụ lão ấu ai dùng lộc nhung cũng tốt. Người
có bệnh dùng để chữa bệnh, người không bệnh dùng để bồi bổ. Thật ra thì nhung
hươu cũng có những tác dụng tích cực trong việc bồi bổ, song không đến mức như
người ta đồn đoán. Khi giá trị con hươu được đề cao lên như thế, nhiều gia đình
chạy vạy, vay mượn đầu tư vào việc nuôi hươu. Bỗng dưng đùng một cái, lộc nhung
hươu không còn là thần dược nữa, giá trị một con hươu từ 50-60 triệu nay chỉ
còn 500-600 ngàn, thế là nhiều gia đình ôm hươu than thở ngắn dài, nợ nần chồng
chất. Chuyện vỡ mộng vì hươu diễn ra rất nhiều ở làng xã ở Nghệ An và Hà Tĩnh,
người vạn chài thì chỉ là những con số nhỏ lẻ. Nhưng cũng vì đó mà nhiều gia
đình vạn chài lại phải tiếp tục hành trình tìm đường sống mới. Có người vào nam
cày cuốc trồng ngô sắn, có người lên cao nguyên khai hoang trồng cà, bón tiêu.
Hiện nay có đến hàng trăm hộ gốc Yên Hòa lập nghiệp và sinh sống ở Bưng Kè-Bà Rịa,
Đắc Lắc, một số khác sống những vùng lân cận. Yên Hòa khi con đông, cháu nhiều
họ lại tiếp tục phân tán trên các ngọn nguồn sông Ngàn Phố. Tôm cá ngày càng
khan hiếm, họ lên bờ lên lên núi làm lán trại, rồi tìm phương kế làm ăn: có người
đi làm gỗ, có người buôn bán, có người đi cẩu vạn, và những công việc chân tay
khác. Từ đó các nôốc vạn dần dần biến mất. Bây giờ mỗi dịp lễ lớn của giáo họ,
bến xưa luôn còn mà thuyền đâu chẳng thấy.
Phần III. Yên Hòa của hôm nay
![]() |
nhà thờ mới khánh thành 11/06/2011 |
![]() |
giáo dân và khách mời về dự lễ khánh thành |
Yên Hòa hôm qua, hôm nay
luôn có những ơn gọi dấn thân cho triều đại Nước Thiên Chúa. Họ là những con
người biết làm cho quê hương giàu đẹp và ý nghĩa hơn qua đời sống tu trì. Chính
họ vực dậy lòng sống đạo cho con cái Yên Hòa và là chứng nhân niềm tin cho giáo
hội Chúa. Phải kể đến là xơ Chân, xơ Thành, xơ Quang và xơ Quý. Linh mục An-tôn
Nguyễn Khánh Cương (thụ phong 14/01/2013), được xem như là anh cả của giáo họ
Yên Hòa trong thiên chức linh mục. Linh mục Phê-rô Dương Sĩ Nho ( thụ phong 24/11/2013),
gốc người Yên Hòa, nay thuộc họ Yên Quát. Ngoài ra còn nhiều bạn trẻ đang tiến
bước trên hành trình ơn gọi nơi nhiều dòng tu trong và ngoài nước.
Vài lời kết
rước kiệu trên sông Ngàn Phố 1998 |
Trong tâm tình biết ơn tiền
nhân và cảm tạ Chúa, Yên Hòa nhìn lại chặng đường 100 năm đã qua với nhiều nỗi
niềm cảm xúc. Hành trình niềm tin vào Thiên Chúa của cha ông được tôi luyện
trong thử thách nay trở nên hồng ân diệu huyền cho hậu thế. Yên Hòa ý thức được
rằng, niềm tin được lãnh nhận là một hồng ân được các bậc tiền nhân gieo trồng
vun xới trong nước mắt để rồi hoa trái của niềm tin đem đến nụ cười cho con
cháu. Với mỗi người tín hữu, tin tưởng vào Thiên Chúa là hành trang giúp họ bước
đi trong an vui và hy vọng. Vì thế dẫu thời cuộc đổi thay, niềm tin không thay
đổi. Bởi niềm tin là lẽ sống giúp con người tìm về cội nguồn đích thật, nơi đó
chúng ta sẽ được gội tắm trong suối nguồn yêu thương của Thiên Chúa. Nhìn về cội
nguồn cũng là dịp khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa hôm qua, hôm nay và ngày
mai. Chúng ta tín thác rằng Thiên Chúa luôn đồng hành với con người trong mỗi
hoàn cảnh sống.
![]() |
đua thuyền trên sông Ngàn Phố 28/06/2011 |
Lạy Chúa Tình Yêu, xin tiếp
tục nâng đỡ và chúc lành cho giáo họ, Yên Hòa chúng con xin cất lời cảm tạ ngợi
ca Danh Người đến muôn đời.
Tài liệu tham khảo
Tờ khai gốc tích giáo họ; tóm lược lịch sử giáo phận Vinh, lm JB. Nguyễn Hữu Thi (CHLB Đức 2006); lược sử Hôi Thánh công giáo tại Việt Nam, lm Phanxicô Xavier Đào Trung Hiếu (OP, 9/2006); lịch sử biên niên tham khảo một số thông tin qua các báo chí mạng; chuyện các cụ ông, cụ bà kể lại.
Lille 25/05/2015
vovivu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét