KHOẢNG LẶNG CUỐI NĂM
Dấu lặng trên một bản nhạc thường
giúp người hát đi sâu vào ý nghĩa của lời, từ đó người ta cảm nhận được hồn của
bài hát. Và khi cất dọng cho khúc nhạc tiếp theo, nốt lặng như là một cái đà
hơi giúp người hát hoàn thiện khúc ca cách hoàn mỹ hơn. Cũng vậy, khoảng lặng
trên bản nhạc đời là thời điểm nhìn lại những gì đã qua, tìm trong đó ý nghĩa
sâu xa trong trải nghiệm, từ đó hát tiếp khúc nhạc đời cách tươi vui chân thành
hơn.
Cuộc đời có lúc tràn nhựa sống như những chiếc lá non xanh của xuân thì, có
lúc vững chải như những chiếc lá vào hạ; nhưng cũng có khi úa nhạt như những chiếc lá thu vàng nhẹ rơi, hay mong manh yếu ớt như những chiếc lá đông tàn. Nếu
dùng khoảng lặng để chiêm ngắm quy luật sống của tự nhiên, người ta sẽ hiểu rõ hơn lẽ sống đời người. Biết dùng khoảng lặng trong bản nhạc đời là biết đi
vào nội tâm của con người mình, từ đó định hướng âm hưởng cho lẽ sống tương
lai. Vâng, khoảng lặng là một điều cần
thiết để nuôi dưỡng tâm tư và làm mới tinh thần. Khoảng lặng giúp nhìn lại những
gì mình đã sống, đâu là những vi-rút làm hại cuộc sống vui tươi của mình ?
Phải chăng là sự hững hờ, là lòng ích kỷ, sự ghen ghét, tính nhỏ mọn, hẹp hòi,
tinh thần thiếu cởi mở, nhiều thành kiến… ; Vâng, quả thật nhiều vi-rút ký
sinh trong thân thể cũng như tinh thần của chúng ta. Nó gieo mầm bệnh làm tê liệt
những lý tưởng sống cao đẹp. Đâu là phần mềm hiệu năng để diệt trừ những vi-rút
phá hoại lý tưởng sống cao đẹp? Tôi tìm thấy sức mạnh trong lời Chúa, vì :
« Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi :
xuyên thấu chổ phân cách tâm với linh, cốt với tủy ; lời đó phê phán tâm
tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thụ tạo nào mà không hiện
rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Đấng có quyền
đòi chúng ta trả lẽ ». ( Do-thái 4 :12-13).
Trong số những
căn bệnh thời đại, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô thường xuyên nhắc tới căn bệnh « thờ ơ » của con người hôm nay. Nội
dung chính của sứ điệp nhân ngày Hòa Bình thế giới 2016, với đề tài « Chiến thắng dửng dưng và chinh phục hòa bình »
Đức Thánh Cha lên án sự thờ ơ mang tính toàn cầu hóa của con người. Nguyên nhân
sâu xa của căn bệnh là do khước từ Thiên Chúa: « Sứ điệp của ĐTC bắt đầu với việc nhận xét rằng sự
thờ ơ là thái độ chung của con người thời đại chúng ta. Sự dửng dưng ấy đã vượt
qua lãnh vực cá nhân để trở thành toàn cầu. Tiếp đến sứ điệp kể ra vài hình
thái của sự dửng dưng thời đại. Trước hết là dửng dưng đối với Thiên Chúa, từ
đó nảy sinh ra thái độ dửng dưng đối với tha nhân và thụ tạo. Và ĐTC nhấn mạnh
rằng đây là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của một thuyết nhân bản
sai lạc và của chủ thuyết duy vật thực tiễn, trộn lẫn với một tư tưởng duy
tương đối và hư vô. Con người nghĩ rằng nó là tác giả của chính nó, của sự sống
của nó và của xã hội. Nó cảm thấy tự đủ và không chỉ nhắm thay thế Thiên Chúa,
mà còn sống không cần Thiên Chúa nữa. Hậu quả là nó nghĩ rằng nó không nợ ai
cái gì hết ngoại trừ chính nó, và nó yêu sách chỉ có các quyền lợi thôi (s. 3) ( tóm
lược của Linh Khải Tiến trên trang vietcatholic.net http://www.vietcatholic.net/News/Html/167272.htm ).
Quả thật từ việc xem thường giá trị
Tin Mừng, không chú trọng đời sống tâm linh qua việc cầu nguyện, thiếu niềm tin
và sự chân thành trong việc phụng sự Thiên Chúa, con người dần dà mất đi căn
tính thiêng liêng của mình. Từ đó mở đường cho: thuyết nhân bản sai lạc và chủ thuyết duy vật
thực tiễn, trộn lẫn với một tư tưởng duy tương đối và hư vô. Hậu quả của chúng là dẫn đến việc hạ thấp nhân phẩm con
người, ham mê của cải vật chất, tham vọng quyền lực, đam mê hưởng thụ, yêu lạc
thú. Đó là những vi-rút nguy hại đang phát tán trong não trạng nhiều người, khiến
bệnh thờ ơ đang bị lây lan phát tán ở mức độ đáng báo động.
Nếu không có Lời Chúa soi đường dẫn
lối, con người sẽ mãi lầm tưởng đi trong sự u mê tăm tối. Vậy hãy dùng Lời Chúa
để diệt trừ những vi-rút gây bệnh, tìm lại một thân thể lành mạnh, một tinh thần
vững vàng, một ý chí kiên nghị:
« Anh
em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên
Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vậy hãy đứng vững :
lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi dày là
lòng hăng say loan báo tin mừng bình an ; hãy luôn cầm khiên mộc là đức
tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội
mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa ».
(Ê-phê-xô 6 : 13-11 ; 14-17)
Còn lời nào
hơn những Lời Thiên Chúa ! Thánh Phao-lô với trải nghiệm tông đồ của mình
đã để lại cho chúng ta kinh nghiệm sống tìm sức mạnh nơi Lời Thiên Chúa. Chính
Lời Thiên Chúa đã giúp Ngài vượt qua mọi thách thức của cuộc sống để đem Tin Mừng
bình an đến cho nhân loại. Được thừa hưởng kinh nghiệm thiêng liêng của Thánh
Nhân, ta còn ngần ngại gì mà không để cho lời Chúa biến đổi tinh thần, đổi mới
tâm linh để dấn thân trọn vẹn hơn, hầu mong Tin Mừng Bình An của Thiên Chúa cư
ngụ dồi dào trong mọi tương quan của cuộc sống con người ? Làm cho Triều Đại
Nước Thiên Chúa hiện trị trong thế giới này, đầu tiên chính là việc biết để cho
mình được biến đổi bởi Lời Chúa. Từ đó con tim cởi mở hơn, tinh thần nhiệt huyết
hơn, và tâm linh tràn ngập sự an vui. Chúng ta hãy để cho Lời Chúa xây dựng
nhân phẩm và nhân cách sống của mình. Vì thời đại của truyền thông nở hoa, con
người ta rất dễ trượt ngã qua những phương tiện thông tin đại chúng. Những mối
quan hệ ảo cách nào đó làm mờ nhạt cách nhìn người nhìn đời trong thế giới thật.
Vì vậy hãy để cho Lời Chúa, Lời của sự thật, lời của hoan lạc và bình an xây dựng
con người thật của mình. Có như thế chúng ta mới bước qua được những rào cản
khác biệt, lối chèn ép của dư luận và hướng lệch lạc của thành kiến để đến với
nhau bằng tấm lòng thành, hầu mong xây dựng mối tương quan đúng nghĩa « bốn
bể anh em một nhà ».
Phần thưởng xứng
đáng là vinh quang được sống với Thiên Chúa trong nhà Người. Thánh Phao-lô đã
đi bước trước, Ngài đã can đảm chạy đua trong cuộc chiến chính nghĩa để dành lấy
vinh quang. Đến lượt chúng ta hãy để cho tinh thần của Thánh Nhân tiếp sức cho
cuộc đua của mình với hy vọng được nhận lãnh vòng nguyệt quế vinh quang trong
Thánh Nhan Nước Chúa khi kết thúc chặng đường cao đẹp : « Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết
chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho
người công chính ; Chúa là vị thẩm phán chí công sẽ trao phần thưởng đó
cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn tất cả những ai hết
tình mong đợi Người xuất hiện ». (2 Ti-mô-thê 4 : 7-8).
Tôi
yêu mến khoảng lặng cuối năm, nơi tôi thấy mình rõ hơn thể hiện qua những yếu
tính cũng như ưu tính. Muốn nói lời tạ tội với đời với người vì những yếu tính
nơi xuất phát mầm bệnh hững hờ. Trong tâm tình cảm tạ « nguyện đời con nên
lời ca ngợi » Chúa. Nguyện Thiên Chúa là suối nguồn của Bình An và Hy Vọng
chúc phúc cho năm mới để mỗi người tìm thấy ý nghĩa hành trình sống đời mình. Và
bây giờ tôi thấy giá trị hơi thở của khoảng lặng mà người bố tinh thần nhắn nhủ :
« Con cũng đừng quên tìm cho mình những khoảng lặng trong cuộc sống
hằng ngày để nuôi dưỡng tâm linh và tinh thần nhé » .
thân ái
vovivu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét