Chuyến đi lần này, tôi có dịp đến một làng quê
hẻo lánh thuộc miền núi Chiang Mai, Thái Lan, xứ đạo Huoi Toong – Maewang –
Chiang Mai. Đây là một làng quê nghèo, một giáo xứ nhỏ, có khoảng 30 gia đình
và khoảng 200 giáo dân. Hai ngày nay tôi ở với một gia đình tại ngôi làng này.
Họ tốt, đơn sơ, thân thiện và vui vẻ. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về họ.
Sau khi đến Chiang Mai tôi được bố mẹ của người
bạn đến đón về nhà họ, cách trung tâm Chiang Mai khoảng 60 km. Xe chúng tôi
băng qua chặng đường dài, ngoằn nghèo trong rừng núi. Chúng tôi đến nơi lúc giữa
trưa. Vừa đến ngôi làng, tôi bắt đầu phân vân và ngỡ ngàng. Điều đầu tiên mắt
tôi thấy là ngôi làng này không có hàng rào giữa nhà này với nhà khác. Không biết
vì nghèo hay sao mà họ không làm hàng rào? Hình như không có sự ngăn cản gì giữa
nhà này với nhà khác, họ chung sân chung vườn. Muốn đi đến nhà nào cứ việc đi
qua trước sân nhà người khác, họ còn có bếp lửa chung, những bàn ghế chung để
ngồi tản mạn với nhau khi chiều về…
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEisgVkGQUsnoIV1zAQj2T1tHhSOfkRmMyTassiY2bzi3bzn1Rw2GNceprwtr6fu6RWNNveGWvzOqEqXqEMYsgaRhieVS-9gUBufdGaAUaFeERz2TljaxukMITwzuV70OFAKdKUy1i95yCsV/s320/12970903_1161838747160494_3487138477727008738_o.jpg)
Đây là một xứ đạo Công giáo. Có một nhà thờ nho
nhỏ tại đây, nhà thờ Thánh Phaolô. Bức tường trên cung thánh có những bức tranh
về Chúa, Đức Mẹ và các thiên thần, cuối nhà thờ có bức tranh cảnh Thánh Phaolô
ngã ngựa. Những bức tranh này rất đẹp và nghệ thuật, được vẽ bởi chính tay Cha
quản xứ. Nhà thờ này không có ghế, khi đi lễ mọi người để giày dép bên ngoài và
quỳ hoặc ngồi trên sàn nhà. Họ thật giản dị, giản dị khi cả đi lễ, không mang
quần áo đẹp, không trang điểm bên ngoài, không cầu kì gì cả. Nhưng họ đến nhà
thờ với tâm tình vui vẻ và đơn sơ như không thể đơn sơ hơn nữa. Chắc Chúa Giêsu
rất thích điều này vì khi sống trên trần gian Ngài cũng nghèo khó, giản dị như
vây. Dù chỉ là một giáo xứ nhỏ nhưng có hai linh mục và ba xơ phục vụ tại đây.
Sau thánh lễ, giáo dân sum vầy bên Cha rất thân mật và tự nhiên. Hình như giữa
giáo dân và Cha xứ không có khoảng cách gì và còn nói đùa với nhau vui vẻ. Các
Xơ thì tập hát cho các em thiếu nhi. Giờ giải lao trông thật vui, em thì nằm,
em thì ngồi, em thì lăn lộn giữa nền nhà, như thể nhà của các em vậy.
Nhìn Cha xứ và quý Xơ đang phục vụ đây, tôi cảm thấy một tình yêu lớn
lao mà họ giành cho giáo dân nơi đây. Tôi thầm nghĩ họ phải là những người được
chọn thật sự, và những người thực sự dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Bởi động
lực nào làm cho họ dám hy sinh cả cuộc đời để đến sống và phục vụ tại nơi hẻo
lánh và nghèo nàn này? Tiền bạc, của cải, danh vọng tại đây ư? Chắc chắn không!
Ở đây chỉ có rừng núi, tiếng chim gáy, tiếng thú hú, âm thanh của núi rừng và
những con người giản dị tại đây mà thôi. Chắc chắn các linh mục và các Xơ khi sống
tại đây sẽ có rất nhiều khó khăn, thử thách khác nữa. Nhưng vì yêu họ sẽ chọn
đó là niềm vui.
Hôm nay, có một lễ cưới của hai bạn trẻ trong làng được tổ chức tại thánh đường này. Vậy là tôi có cơ hội để xem và biết thêm về văn hóa, tập quán của con người nơi đây. Đầu tiên là thủ tục nhà trai vào nhà gái: các cụ cùng chú rể trải chiếu ngồi ngoài đường, mọi người xúm quanh đánh cồng chiêng nhảy múa, sau đó dội nước, dội rượu và xếp hàng đi vào nhà gái. Sau khi làm thủ tục xong, mọi người đến nhà thờ dự lễ cưới. Vì là lễ cưới nên bà con mặc trang phục dân tộc. Cô dâu và chú rể cũng mặc trang phục dân tộc, rất đơn giản và không cầu kì. Tôi cũng may mắn được một bạn cho mượn chiếc áo, mặc vào cũng thấy hay hay và hòa vào mọi người đi lễ cưới. Lễ cưới tại Việt Nam ít khi các linh mục đồng tế, nhưng tại đây có tới năm Cha dâng lễ cưới cho đôi uyên ương này. Thánh lễ được dâng bằng tiếng của dân tộc này, họ hát rất hay. Mặc dù không hiểu nhưng tôi có thể cảm nhận được niềm vui của họ. Đặc biệt chúng tôi là những người Công Giáo, dù thánh lễ được dâng bằng ngôn ngữ nào chăng nữa, thì cũng hiểu được tâm tình trong thánh lễ là tạ ơn, vui mừng và yêu thương. Đó là ngôn ngữ tình yêu của Thiên Chúa. Sau thánh lễ mọi người chúc mừng đôi tân hôn. Họ trở về nhà chú rể dự tiệc. Nói là tiệc nhưng có lẽ đây là bữa tiệc đám cưới đơn giản nhất mà tôi từng dự. Mỗi người một nắm cơm trắng gói trong lá chuối, vài ba món thịt gì đó trên đĩa nho nhỏ. Có dăm chai bia, chai rượu mọi người chia nhau uống…Hay thật!
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjCDWVKh3KMAIGxsFYcAGnnnRFdGGij4W7LmrXSentYc2QDnj3vq9HPcJ0hB34V_x6Dkt6rEaeoxzWmQ2nZVMZAWOyja0f9k_c8vXUl6oxeFQbQfOPobNu07vM0SBKsGL7LeXCMw_9YTKFY/s320/12973291_1161248640552838_3314419257658226351_o.jpg)
Trời xế chiều cũng là lúc tôi rời ngôi làng
thân thương này. Thật là một kỷ niệm đẹp với tôi. Cứ nhớ mãi nụ cười và sự giản
dị của họ, vẫn nhớ lời nói hẹn gặp lại của họ, và biết ơn lòng mến khách cũng
như tình cảm họ giành cho tôi.
Huoi Toong – Chiang Mai, 4/2016.
Anthony Lãm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét