Có lẽ trong phần lớn tâm trí con người
hôm nay, câu chuyện Phục Sinh trở nên như mẫu chuyện huyền thoại. Không có gì
ngạc nhiên nếu ai đó hững hờ trước câu chuyện hùng hồn mà bạn đang kể về một ai
đó chết đi sống lại. Cay hơn có người còn xếp mình vào hạng thần, không phải thần
thánh mà là « thần kinh ».
Thiết nghĩ cuộc tranh luận duy lý về
Đấng Phục Sinh sẽ là bản kinh cầu không lời kết. Câu chuyện Phục Sinh chỉ có
nghĩa khi đời sống ta có niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin là chiều kích tâm
linh giúp ta đón nhận những điều huyền nhiệm, những điều khó thể dùng kiến thức
lý trí để giải thích tường tận sự kiện. Niềm tin ấy dẫn ta đi qua những nẻo đường
mùa chay quạnh vắng, nơi giúp ta khám phá và tái khám phá nguồn gốc và ý nghĩa
sự sống. Niềm tin ấy giúp ta bước tiếp trên con đường dẫn ta đến điểm hẹn gặp Đấng
Phục Sinh.
Sau cái chết thảm thương trên đồi
Gôn-gô-tha, các tác giả Tin Mừng kể lại
những lần hiện ra của Chúa Giê-su. Đọc các chương cuối của Tin Mừng ta có thể
điểm danh một số gương mặt được gặp gỡ Đấng Phục Sinh : Maria Madelene, bà
Salômê và một người phụ nữ khác cũng tên là Maria (mẹ ông Giacôbê và Salômê), những
người lính canh mồ (x. Mt 28,1-8 ; Mc 16,1-8 ; Lc 24,1-6 ; Ga
20,1-10) ; hai môn đệ trên đường Em-mau, một người có tên là Cơ-lê-ô-pát (
x.Lc24,13-35 ; Mc 16,12-13) ; mười một tông đồ Chúa chọn
(x.Lc24,36-43 ; Ga 20, 19-20) ;
Ta không có diễm phục gặp gỡ Chúa
Giê-su mặt đối mặt như những nhân vật mà thánh ký phúc âm đề cập đến. Vậy mừng
lễ Chúa Phục Sinh hôm nay, đâu là cách ta được gặp gỡ Ngài ? Gặp gỡ không
hẳn chỉ là cuộc tiếp xúc trực tiếp về thể lý. Gặp gỡ còn là cách nhìn nhận, nhận
biết nhau trên phương diện tinh thần. Dù sống trên những vùng địa lý khác nhau,
dù có những quan điểm bất đồng, dù có những lý tưởng sống trái ngược, nhưng ta
vẫn gặp nhau trong vòng chảy thương yêu của con tim đấy thôi.
Với người tín hữu, gặp gỡ Đấng Phục
Sinh là một cuộc chuyển mình, hoán cải lối sống bắt đầu từ niềm tin. Niềm tin
là một trong những nhân đức đối thần giúp ta sống tốt tương quan với Đấng Tạo
Thành thể hiện qua đời sống cầu nguyện, tham dự các bí tích, học hỏi Lời Chúa.
Đi cùng niềm tin ta có niềm cậy. Nhân đức cậy là ngọn đèn hy vọng giúp ta tiến
bước vững vàng trên đường về nhà Chúa. Nhân đức thứ ba giúp ta làm tròn bổn phận
người con của Chúa, đó là đức mến. Đức mến là tấm lòng con thảo với người Cha
chung, yêu Người trên hết mọi sự và yêu thương mọi người như chính bản thân
mình.
Bên cạnh các nhân đức đối thần, giáo
lý giáo hội cũng dạy ta sống các nhân đức nhân bản : Khôn ngoan, công
bình, can đảm và tiết độ. Khôn ngoan là đức tính giúp ta nhận ra điều hay lẽ phải,
chọn cách thế xử sự vấn đề, sự kiện cách phù hợp nhất để cùng giúp nhau tiến
thân. Công bình là đức tính giúp sống chính nghĩa, tôn trọng quyền lợi, đối xử
công tâm với mọi người. Can đảm là đức tính giúp ta quyết tâm, dám chọn lựa sống
cho lẽ phải dẫu có những thách thức ngang qua. Tiết độ là đức tính giúp làm chủ
bản năng, giới hạn dục vọng và điều chỉnh lối sống chừng mực với những gì mình
có.
Xin chia sẻ chút tâm tình nhận được qua sự gặp gỡ Đấng
Phục Sinh trong cõi lòng tĩnh lặng những ngày trên núi : « Những gì
là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến
và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em
hãy để ý (Pl 4,8).
Túm phát cho nó bớt dài : có nhiều
phương thế để gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Cầu mong mỗi người tìm được nguồn sống mới
nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã mang trọn nỗi đau nhân loại vào cõi chết, Đấng đã
đem lại niềm vui cứu độ qua ánh sáng Phục Sinh khải hoàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét