NGUỒN GỐC THẬP
GIÁ.
Anh em đã đóng đinh Đức Giê-su thành
Na-za-rét ( Cv 2.23).
Lời khẳng định
hùng hồn này được Thánh Phê-Rô tuyên bố vào ngày lễ ngũ tuần, sau khi các môn
đệ nhóm họp tại Giê-ru-sa-lem. Lời tuyên bố này chắc hẳn làm cho người nghe tự
đặt câu hỏi : tôi có liên can gì, trách nhiệm thuộc về ai ? hoặc nếu không quy trách nhiệm cho
ai, lắm lúc chúng ta cũng lặp lại lời của Phi-la-tô xưa : “ tôi vô tội trong
vụ đổ máu người này”.( Mt 27.24)
Vậy cái chết
của Đức Giê-su là do đâu? Raniero Cantalamessa (linh mục dòng Phanxicô, tiến sĩ
thần học, chuyên diễn giải Tin Mừng và giảng phòng trong giáo triều Rô-ma) suy diễn: một số người xác định trách nhiệm gây ra cái chết của Chúa Giê-su cho giáo
quyền thời ấy, tức người Do-thái; một số khác quy trách nhiệm cho nhà cầm
quyền, tức là người Rô-ma, và như thế họ coi Chúa Giê-su đã chịu chết vì sự
nghiệp dành lại tự do; một số khác nữa quy trách nhiệm cho cả hai”.
Chúng ta thì sao, chúng ta có cho rằng vụ án
Chúa Giê-su đã trở nên như chuyện xưa rồi diễm ? chúng ta cho rằng
chuyện chẳng liên can gì đến mình, đó là chuyện của những người sống tại
Palestin vào thời Chúa Giê-su. (l.m Raniero). Chúng ta không thuộc hàng ngũ
các nhà lãnh đạo Do-thái ngày xưa, cũng chẳng đứng trong đám đông dân chúng mà
la lên rằng: “đóng đinh nó vào Thập Giá”. Nhưng thực tế chúng ta là những người
làm nên cái chết của Người, như lời thánh Phao-lô khẳng định. “ Chúa Giê-su
đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta ” ( Rm 4:25). Thế nên, cha Ranireo có lý
khi nói : Tất cả chúng ta đều bị
tố cáo đã gây nên cái chết cho Chúa Giê-su bởi vì hết thảy chúng ta đã phạm
tội, và nếu như chúng ta chối bỏ điều này thì thật là dối trá”.
Mầm mống tội
lỗi gieo vào lòng người, và cái chết đã đến thế gian, làm cho con người mất sự
sống đời đời. Chính tội lỗi làm nên Thập Giá. Đức Giê-su Ki-tô đã xuống thế làm
người, chịu khổ hình và chịu chết vì tội lỗi chúng ta. Là người bạn hữu, là
người em của Đức Giê-su, nếu chúng ta còn mù mờ về nguyên nhân dẫn đến cái chết
của Người, thử hỏi khi chúng ta tuyên xưng Đức Giê-su Ki tô là Đấng Cứu Độ trần
gian có ý nghĩa gì chăng? Lời Cha Raniero: “ bao lâu chưa cảm thấy mình bị
hư mất, đáng bị trừng phạt và trầm đọa, ít là một lần, thì bạn chưa thể nhận ra
ý nghĩa của hồng ân được cứu chuộc nhờ máu Chúa Ki-tô; chưa thể thực sự ý thức
bạn nói gì khi gọi Chúa Giê-su là Đấng
Cứu Độ của bạn. Mà nếu có, thì chỉ là giả hình, bởi vì chỉ có người nào
thâm tín chính họ đã làm cho Chúa Ki-tô thống khổ, đã gây ra khổ hình ấy, thì
mới thực sự hiểu biết những đau khổ ấy là gì. Có thể Chúa Giê-su cũng nói với
chúng ta những lời Người đã nói với các phụ nữ thành Giê-ru-sa-lem, các con
đừng khóc thương ta, mà hãy khóc thương chính các con và tội lỗi của các con
( Lc 23.28).
Khi ý thức được như thế, chúng ta mới thực sự
cảm nhận được cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su, thập giá Đức Ki-tô có ý nghĩa với
sự sống của mình như thế nào. Mỗi lần chúng ta phạm tội, chính là những lần
chúng ta đang tiếp tục đóng đinh người bạn hữu, người anh, người thầy Giê-su
vào Thập Giá.
Sau khi nghe
lời thánh Phê-rô tuyên bố hùng hồn rằng : anh em đã đóng đinh Đức Giê-su thành
Na-za-rét, thì đã có ba ngàn người cảm thấy lòng đau như cắt và thưa với
Thánh Phê-rô rằng : chúng tôi phải làm gì đây? Thánh Phê-rô đã tuyên bố
và kêu gọi : Thiên Chúa đã cho Người
sống lại! Hãy sám hối ! ( Cv 2:37). Tin Mừng Mát-thêu cũng mời gọi chúng ta “ hãy
sám hối và tin vào Tin Mừng ” ( Mt.15).
Lời trong thư
thánh Phao-lô soi sáng cho chúng ta về ý nghĩa của việc sám hối canh tân đời
sống: anh em biết rằng hết thảy ta đã được thanh tẩy trong Đức Giê-su Ki-tô,
thì chính trong sự chết của Người mà ta được thanh tẩy. Vậy nhờ thanh tẩy, ta
đã được mai táng làm một với Người trong sự chết, ngõ hầu như Đức Ki-tô, nhờ
bởi vinh quang của Chúa Giê-su, đã được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta
cũng bước đi trong sự sống mới” (Rm 6,3-4).
Vậy một khi đã
lãnh nhận bí tích rửa tội, là chúng ta đã được thanh tẩy nhờ cái chết của Chúa
Giê-su, chúng ta được sống một đời sống mới, tham dự vào sự sống đời đời qua sự
Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô. Nếu chúng ta tiếp tục làm nô lệ cho đời sống
tội lỗi, thì chẳng khác nào chúng ta là những người con hoang đàng không biết
tìm về tình yêu nơi Người Cha nhân từ của mình. Hãy sám hối, nếu không sự chết
mãi đè bẹp, chôn sâu sự sống chúng ta trong cõi ngục tăm tối.
Lần nữa, xin mượn lời suy luận của cha Ranireo mở đường cho hành trình
mùa chay thánh : Chỉ khi nào hai chữ Sám Hối ngấm sâu vào tận đáy lòng
chúng ta, bấy giờ chúng ta mới có thể cảm nghiệm được ánh sáng và tình yêu tràn
ngập trong sứ điệp Phục Sinh đầy hân hoan này. Ai có thể nói thật với lòng mình
tôi đã giết Đức Giê-su thành Na-za-rét người ấy mới có thể biết được ý
nghĩa của việc được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su
Ki-tô đã từ cõi chết sống lại.
Thân ái
aantvolo