Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

suy niệm mùa chay

                                                                                THÁNH GIÁ, ÁNH SÁNG NHIỆM MẦU

           Không dễ gì người ta chấp nhận mầu nhiệm Phục Sinh, mầu nhiệm Thánh Giá đã rạng ngời qua cái chết đem lại vinh quang toàn thắng trên sự dữ của Đức Giê-su Ki-tô, sống niềm tin Mầu Nhiệm Thập Giá quả là một thách thức lớn cho muôn thế hệ.
         Đọc Tin Mừng chúng ta thấy các môn đệ chẳng dễ dàng gì tin tưởng vào sự sống lại của Đức Giê-su Ki-tô. Các môn đệ đã từng chung vai sát cánh cùng Chúa, đã nhiều lần Chúa Giê-su nói với các môn đệ là ngày thứ ba, từ cõi chết Người sẽ sống lại. Sau khi Phục Sinh, Chúa đã nhiều lần hiện ra với từng người, từng nhóm, thế nhưng các môn đệ vẫn nghi ngờ và không nhận ra Người.
Song, một khi các môn đệ đã nhận ra Chúa đã sống lại thật, khi đã được đón nhận niềm tin, các môn đệ dám xông pha vượt qua mọi trở ngại, hy sinh cả bản thân mình mà rao giảng Tin Mừng, rao giảng về Thập Giá Đức Ki-tô và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối để được thông dự vào sự sống vĩnh cửu, sự sống mà Đức Giê-su đã chuộc lại qua Tử Nạn và Phục Sinh: “Dân Do-thái thì đòi phép lạ, dân Hy-Lạp thì tìm lý lẽ cao siêu; còn chúng tôi lại rao giảng một đức Ki-tô trên Thập Giá, một điều vấp phạm cho dân Do-Thái và điều dại dột đối với dân Hy-Lạp. Thế nhưng, đối với ai được gọi, dù là Do-Thái hay Hy-Lạp, thì đó là một vị Cứu Tinh với quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa; bởi lẽ sự dại dột của Chúa thì khôn ngoan hơn con người gấp bội, và sự yếu ớt của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn con người trăm lần" (1Cr 1,18-25).
Nếu trong lịch sử cựu ước và đến thời Đức Giê-su, những người Do-Thái và Hy-lạp thời ấy luôn xem Thập Giá là biểu tượng của sự dữ, của ô nhục, xem Thập Giá như là một án nguyền của Thiên Chúa “ phàm kẻ nào bị treo trên cây là đồ bị chúc dữ ” ( Gl 3.13), thì đến thời các tông đồ, sau khi Chúa Phục Sinh, Thập Giá đã trở nên cây sự sống, cây mang đến nguồn hạnh phúc viên mãn, thập giá trở nên Thánh Giá. Chính Đức Giê-su đã biến Thập Giá khô khan, thô ráp, trần trụi thành Thánh Giá nở hoa, Thánh Giá trở thành mùa xuân cứu độ cho nhân loại.
        Cái chết trần truồng đau đớn của Đức Giê-su Ki-tô trên cây Thập Giá thô nháp đã diễn một vẽ đẹp nhiệm mầu. Khi chúng ta biết chiêm ngắm và suy niệm về Thập Giá, thì quả thật không hình ảnh nào mang lại vẻ đẹp và sức sống kỳ diệu như Thập Giá. Thập Giá trao ban sức sống mãnh liệt, như mùa xuân đem đến sức sống xanh non cho cuộc đời. Thập Giá mùa xuân đã làm sống lại sự tàn lụi khô hanh của đông tàn, là những sự khô khan trong tâm hồn, sự nguội lạnh của lòng đạo mỗi chúng ta. Thập Giá làm dịu mát những gay gắt của nắng hè cháy bỏng, là sự kiêu căng của lòng người, thiếu niềm tin, cậy, yêu mến Chúa. Có lẽ vì cảm nhận được sự dìu dàng, vẻ đẹp và sức sống thần lực từ Thập Giá quá tuyệt vời nên vào thế kỷ thứ II, một giám mục đã giới thiệu một thánh thi đầy thần hứng về Thập Giá:
Cây này là phần rỗi muôn đời của ta:
Ở đó, ta được no thõa và tìm được thức bổ dưỡng.
Ta đắm mình dưới những nhánh rễ, ta duỗi tay trên những cành của nó,
Sương dịu của nó làm đê mê các giác quan của ta,
Thần khí của nó, như làn gió mân mê, làm ta đơm bông kết trái.
Cây này làm thỏa cơn đói, làm giản cơn khát, và che đậy sự trần trụi của ta
Hạnh tích tử đạo của Thánh An-rê tông đồ, cho chúng ta biết : thánh nhân, trước khi chịu căng thây trên Thập Giá, đã cúi chào Thập Giá bằng những lời này:
Kính chào Thập Giá, Thiên Chúa Tối Cao đã dùng ngươi mà đem lại ơn Cứu Độ! Kính Chào Thập Giá , chiến tích hiển thắng của Chúa Ki-tô trên địch thù của Người! Kính chào Thập Giá, tuy trồng dưới đất nhưng hoa trái lại nở trên trời! Kính chào Thập Giá, danh của ngươi hàm chứa sự sung mãn của muôn loài! Ta biết mầu nhiệm của ngươi!
          Không còn nghi ngờ gì nữa, Thập Giá đã trở thành biểu tượng của sự sống, Thập Giá là biểu tượng của Chính Đức Ki-tô, Thập Giá mang một ý nghĩa sâu đậm đối với Ki-tô Giáo và đối với nhân loại. Vậy đối với chúng ta, với con người hôm nay, thử suy tư xem: Thập Giá có bị che lấp sau tấm màn của nền văn hóa đang tục hóa dần? những vấn nạn con người và thiên tai của tự nhiên có đẩy lùi Thập Giá từ niềm hy vọng trở về sự vô vọng không? Biết bao nhiêu vấn nạn về đau khổ và đầy dẫy sự dữ có vẻ như lấn lướt và che lấp Thập Giá, nơi “ treo Đấng Cứu Độ trần gian”. Chúng ta phải làm gì trước thực trạng có vẻ như nguồn Ơn Cứu Độ chỉ nằm lại trên trang sử Do-Thái giáo năm xưa, với lối nghĩ của nhiều người thời nay Ơn Cứu Độ dường như chỉ là truyền thuyết hảo huyền.
          Hãy đến với Tình Yêu Thập Giá, đến với Tình Yêu Nhiệm Mầu của Đức Chúa, để kín múc nguồn sống từ hoa trái thánh ân nơi treo Đức Giê-su, làm cho nguồn suối hồng ân Cứu Độ của Thiên Chúa tuôn đổ xuống hết thảy muôn người.
                                                                                                      thân ái
                                                                                                     aantvolo

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN