Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

suy niệm mùa chay


TÌNH YÊU NHIỆM MẦU

Tình yêu luôn là đề tài nóng bỏng, đề tài xuyên suốt lịch sử nhân loại. Tình yêu đi vào cuộc sống mỗi người, ngang qua đó người ta có thể tìm thấy hạnh phúc ; song, nhiều lúc tình yêu được ví như những con sóng biển, vỗ bờ rồi lại ra khơi, vì thế có những mảnh đời ngang trái nỗi trôi…
Khai thác tình yêu từ cái nhìn huyền nhiệm giữa Thiên Chúa với con người, sẽ giúp chúng ta biết yêu và chia sẽ tình yêu cách chân thành nhất. Song, với ngôn ngữ loài người thì không thể diễn tả hết được ý nghĩa tình yêu cao vời này, chỉ có thể nói đó là “ Tình Yêu Nhiệm Mầu”.
Thiên Chúa đã yêu thương thế gian quá đỗi  (Ga 3.6).
          Ngôn ngữ Kinh Thánh cũng chỉ diễn tả đến mức này thôi. Dĩ nhiên có nhiều lời tuyên tín, nhiều hình ảnh, nhiều câu chuyện, dụ ngôn và cách nói ẩn dụ khác để làm sáng rõ, làm nổi bật lên Tình Yêu của Thiên Chúa. Song, tất cả vẫn  không thể diễn tả đủ đầy được giá trị và ý nghĩa sâu xa về Tình Yêu Nhiệm Mầu của Thiên Chúa. Chỉ khi nào sống trong Chúa, Chúa hiện diện trong chúng ta, Chúa cho chúng ta hiểu, cho chúng ta biết cảm nhận Tình Yêu của Ngài, lúc đó chúng ta đi vào được, cảm nếm được vị ngọt ngào đắm say của Tình Yêu Cao Vời này.
Như đã chia sẽ trong bài « nguồn gốc thập giá », theo thư Thánh phê-rô, chúng ta có thể đã trả lời cho câu hỏi : “ tại sao Chúa Giê-su phải chết ?” : Đó là vì tội lỗi chúng ta. Một câu hỏi khác nữa được đặt ra, chúng ta sẽ thử trả lời : “ Tại sao Chúa Giê-su lại chết vì tội lỗi chúng ta ? ”.
Câu trả lời có phải chăng:  “ vì Người yêu thương chúng ta, Người đã yêu thương anh em và phó mình vì anh em ” ( Ep5: 2). hoặc “ Con Thiên Chúa đã yêu thương tôi và đã hiến mình vì tôi ” ( Gl 2: 20), hay “ Chúa Ki-tô đã yêu thương Giáo Hội và hiến mình vì Giáo Hội ” ( Ep 5: 25). Những câu trả lời này tựa như một luồng ánh sáng soi chiếu đức tin của Giáo Hội... đây thực sự là câu trả lời dứt khoát cho nghi vấn vì sao Chúa  Ki-tô lại tử nạn, không còn gì để thắc mắc nữa. Chúa đã yêu thương chúng ta chỉ vì Người đã yêu thương chúng ta, tất cả là ở đó! Thật vậy, đối với tình yêu Thiên Chúa thì không có chổ cho hai chữ tại sao, bởi lẽ đó là một ân ban nhưng không”. ( theo "the Power of Cross" của linh mục Raniero Cantalamessa, diễn giã Tin Mừng giáo triều Rô-ma).
        Một cách định nghĩa Thiên Chúa dễ dàng nhất là : Thiên Chúa là tình yêu. (1Jn 4,16). Quả thật, cách nói có vẻ đơn giản, ngắn gọn, nhưng chính đó là tất cả căn nguyên, là nền tảng mà Thiên Chúa dùng đặt móng để tạo thành trời đất muôn loài.
Điều thật khó hiểu là ở chổ dẫu đặt nền móng trên tình yêu, nhưng thế gian vẫn không vững bền, có nguy cơ bị hủy hoại bởi sự dữ và tội lỗi. Thử suy luận thế này : có lẽ Thiên Chúa không ngờ “ trò chơi Tình Yêu” của Người đã làm Người vất vả, mệt nhọc và đau khổ đến độ Người “ đã không dung tha chính Con mình, nhưng đã phó nộp Người vì tất cả chúng ta ” ( Rm8: 32). Thiên Chúa có lầm lẫn không khi tạo dựng sự sống con người ? chúng ta có thể lấy câu thành ngữ : “gậy ông đập lưng ông” mà nói đến tình trạng của Thiên Chúa được chăng? Thực tế chúng ta thấy rằng : Thiên Chúa tạo dựng nên sự sống con người và rồi vì con người Thiên Chúa đã phải dùng cái chết Con một của mình để chuộc lại.
Quả thật chúng ta không thể hiểu nổi, khi mầu nhiệm này chưa được mạc khải trọn vẹn trong Đức Giê-su, Con một Người. “ Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người đã tự hạ mình ”. ( Pl 2 : 6-8). Suy niệm chừng đó thôi, cũng đủ minh chứng rằng : Thiên Chúa là Tình yêu. Chúa Giê-su còn minh chứng cho tình yêu Thiên Chúa một cách cụ thể và rõ ràng hơn nữa qua cuộc tử nạn của Ngài. “Nếu muốn biết Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến mức nào, chúng ta có một cách rất đơn giản mà xác thực: đó là xem Người đã chịu đau khổ như thế nào! Chúa đã chịu đau khổ không chỉ nơi thân xác, mà trước tiên, là trong linh hồn của Người. Vì lẽ cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su là cuộc khổ nạn vô hình, một cuộc khổ nạn đã khiến Người phải rên rỉ trong vườn Cây Dầu linh hồn Thầy buồn phiền đến nỗi chết được ( Mc 14: 34). Chúa Giê-su đã chết nơi tâm hồn trước khi chết nơi thân xác. Ai có thể dò thấu những vực thẳm tang thương, phiền não và cay cực nơi tâm hồn Chúa Ki-tô khi thấy mình đã biến thành tội trong lúc Người là Thánh Tử vẹn tuyền của Chúa Cha?” ( Lm Raniero Cantalamessa).
Chúng ta thử đặt mình vào tình thế là tội nhân, đã giết một người công chính; và rồi trong lúc ta đang lẫn trốn, thì bất ngờ nhận được tin rằng: người mà ta hãm hại đã sống lại, người quên hết hết lỗi lầm của ta, người ấy đang tìm đến muốn kết thân với ta nữa. Nếu là thật như thế, thì chúng ta thật sự ngỡ ngàng, bàng hoàng, và khó thể tin nỗi được đúng không? Nhưng thực tế là vậy. Vì tội lỗi chúng ta đã làm nên cái chết mà Đức Giê-su, Đấng Công Chính của Thiên Chúa phải gánh chịu, và Ngài đã sống lại không phải để truy tìm chúng ta trong thù hận mà kiếm tìm, mong đợi chúng ta trở về trong thương yêu. Ngài đã làm điều thiện cho chúng ta và cam chịu khổ hình vì chúng ta, lẽ nào chúng ta mãi không nhận thấy tình yêu tuyệt diệu của Ngài sao? Nếu chúng ta cứ mãi chìm đắm trong sự tội, kể như chúng ta đang làm cho cuộc tử nạn của Ngài đau đớn thêm, chúng ta đang tiếp tục quay lưng, bội bạc với tình yêu của Ngài.
Đến với Tình Yêu của Thiên Chúa, là đến với sự sống đích thực, hạnh phúc đích thực. Hãy dứt khoát với tội lỗi để nên công chính trong ơn nghĩa của Thiên Chúa. Nếu chúng ta cùng chết với Đức Ki-tô thì chúng ta cũng được sống lại với Ngài, nghĩa là sống trong ơn nghĩa, trong Tình Yêu của Thiên Chúa luôn mãi, ta cùng suy gẫm lời trong thư thánh Phao-Lô:
         Anh em biết rằng hết thảy ta đã được thanh tẩy trong Đức Giê-su Ki-tô, thì chính trong sự chết của Người mà ta được thanh tẩy. Vậy nhờ thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Người trong sự chết, ngõ hầu như Đức Ki-tô, nhờ bởi vinh quang của Chúa Giê-su, đã được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong sự sống mới (Rm 6,3-4).
                                                                                        thân ái
                                                                                      aantvolo

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN