Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

NHÀ NƯỚC VÀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM


NHÀ NƯỚC VÀ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM
Trong thông điệp ‘Thiên Chúa là tình yêu’ được ban hành ngày 25.12.2005, Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã minh xác mối tương quan giữa việc dấn thân cần thiết cho công bằng và thừa tác vụ bác ái nơi số 28: 
a) Tổ chức đúng đắn cho Quốc gia là một trách nhiệm chính yếu của chính trị. Một Quốc gia không được cai trị theo công bằng chỉ có thể là một bầy trộm cướp như thánh Augustinô đã nói. Sự phân biệt giữa cái gì thuộc về Xêda và cái gì thuộc về Thiên Chúa (x. Mt 22,21) là nền tảng, đối với Kitô giáo, cho sự phân biệt giữa Giáo hội và Nhà nước, hoặc, như Công đồng Vatican II diễn đạt, sự độc lập của lãnh vực trần thế. Chính quyền không thể áp lực trên tôn giáo, mà phải bảo đảm quyền tự do tôn giáo và sự hoà hợp giữa những người theo các tôn giáo khác nhau. Về phần mình, Giáo hội, như một sự biểu hiện về phương diện xã hội của đức tin kitô giáo, có một sự độc lập riêng và được tổ chức trên nền tảng của đức tin như một cộng đoàn mà Chính quyền phải nhìn nhận. Hai lãnh vực phân biệt lẫn nhau, tuy vậy luôn có quan hệ lẫn nhau.
Công bằng vừa là mục tiêu và tiêu chuẩn nội tại của quyền lực chính trị. Chính trị là một cơ chế để xác định luật lệ cho đời sống công cộng: nguồn gốc và mục đích của nó được tìm thấy trong công bằng, và thuộc về lãnh vực đạo đức. Chính quyền phải đáp ứng câu hỏi: làm thế nào để công bằng có thể được thực hiện tại đây và bây giờ. Nhưng câu hỏi đó bao hàm một câu hỏi triệt để hơn nữa: công bằng là gì? Đây là một vấn đề liên quan đến lý trí thực hành; nhưng để có thể được sử dụng cách đúng đắn, lý trí cần phải trải qua sự thanh luyện thường xuyên, bởi vì lý trí không bao giờ có thể được hoàn toàn giải thoát khỏi nguy cơ của một thứ mù quáng về phương diện đạo đức, gây ra bởi tác dụng chói chang của quyền lực và quyền lợi.
Tại điểm này, chính trị và đức tin gặp nhau. Đức tin do bởi bản tính riêng là một sự gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống—một cuộc gặp gỡ mở ra những chân trời mới vượt khỏi lãnh vực của lý trí. Nhưng đồng thời nó là một sức mạnh có sức thanh luyện chính lý trí. Khởi từ viễn ảnh của Thiên Chúa, đức tin giải thoát lý trí khỏi sự mù quáng và vì thế giúp lý trí trở nên hoàn thiện hơn. Đức tin giúp lý trí chu toàn công việc cách hiệu quả hơn và thấy mục tiêu riêng rõ hơn. Giáo huấn xã hội Công giáo đặt mình vào chỗ ấy là không tạo cho Hội Thánh một quyền trên Chính quyền, lại càng không muốn áp đặt lên những người không chia sẻ cùng một đức tin lối suy nghĩ và cách hành động riêng của mình. Giáo huấn này chỉ muốn giúp thanh luyện lý trí và góp phần vào sự hiểu biết và đạt tới điều gì là công bình, tại đây và bây giờ. 
Giáo huấn xã hội Công giáo biện luận trên nền tảng của lý trí và luật tự nhiên, tức trên nền tảng của cái gì tương hợp với bản tính nhân loại. Hội Thánh không có trách nhiệm làm cho Giáo huấn này chiếm ưu thế trong lãnh vực chính trị. Đúng hơn, Hội Thánh muốn giúp đào tạo lương tâm trong lãnh vực chính trị và góp phần gia tăng sự hiểu biết rõ ràng những đòi hỏi đích thực của sự công bằng cũng như sự sẵn sàng để hành động cho phù hợp, dù phải gặp sự đối kháng của những người có quyền lợi riêng tư. Xây dựng một xã hội công bằng và trật tự dân sự, trong đó mỗi người lãnh nhận điều thuộc về họ, là một nhiệm vụ cốt yếu mà mọi thế hệ phải luôn quan tâm. Vì là một nhiệm vụ chính trị, nó không thể là trách nhiệm trực tiếp của Hội Thánh. Tuy nhiên, bởi vì đây cũng là một trách nhiệm quan trọng nhất của nhân loại, Hội Thánh buộc lòng phải trao tặng một sự đóng góp riêng, qua việc thanh tẩy lý trí và qua việc huấn luyện đạo đức, để hiểu biết và chu toàn những đòi hỏi của công bằng trong lãnh vực chính trị.
Hội Thánh không thể và không phải gánh lấy cho mình cuộc chiến chính trị để đem lại một xã hội công bằng nhất. Hội Thánh không thể và không phải thay thế Chính quyền, nhưng cũng không thể và không phải ở bên lề cuộc đấu tranh cho công bằng. Hội Thánh cần đóng vai trò của mình qua việc biện luận thuần lý và phải thức tỉnh năng lực thiêng liêng mà nếu thiếu, công bằng vốn luôn đòi hỏi sự hy sinh, sẽ không thắng thế và tăng trưởng. Một xã hội công bằng phải là thành quả của chính trị, chứ không phải của Hội Thánh. Tuy nhiên cổ võ cho công bằng qua những nỗ lực nhằm đem lại sự cởi mở của tâm trí và ước muốn theo những đòi hỏi của ích chung, là điều gì can hệ đến Hội Thánh cách sâu xa. 
b) Tình yêu (caritas) luôn cần thiết, dù trong một xã hội công bằng nhất. Không hề có một tổ chức Nhà nước đúng đắn đến độ có thể xem công việc phục vụ của tình yêu là thừa thãi. Ai muốn loại trừ tình yêu thì cũng đang có ý loại trừ con người. Luôn có những người đau khổ, cô đơn, thiếu thốn vật chất đang kêu cầu sự an ủi và giúp đỡ. Nhà nước muốn thâu tóm mọi sự, cung cấp mọi sự, cuối cùng sẽ trở nên một bộ máy quan liêu không thể bảo đảm cái chính yếu mà tha nhân đang đau khổ cần đến: nghĩa là, sự quan tâm của một người biết yêu thương. Chúng ta không cần một Chính quyền điều phối và kiểm soát mọi sự, nhưng cần một Chính quyền, tuân theo nguyên tắc phụ đới, hiểu biết và nâng đỡ cách quảng đại những sáng kiến nảy sinh từ các lực lượng xã hội khác nhau và phối hợp cách bộc phát và gần gũi với những ai đang thiếu thốn. Hội Thánh là một trong những lực lượng sống động ấy: Hội Thánh hành động với tình yêu mà Thần Khí Đức Kitô nhóm lên. Tình yêu ấy không chỉ ban tặng cho con người sự trợ giúp vật chất, nhưng còn là sự tĩnh dưỡng và chăm sóc cho linh hồn, vốn là những điều thường còn cần thiết hơn những trợ giúp vật chất. Cuối cùng, luận điệu cho rằng những cơ cấu xã hội công bằng sẽ làm cho những công việc bác ái trở nên thừa thãi che dấu một quan niệm duy vật về con người: khái niệm sai lầm là con người có thể sống chỉ “bằng cơm bánh” (Mt 4,4; x. Dt 8,3), một xác tín làm hạ giá con người và cuối cùng coi thường tất cả những gì là nhân tính.

I. HIỆN TÌNH ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM.
A. Hiện tình kinh tế với nhiều khó khăn.
1./ Lạm phát tăng cao làm người nghèo thêm túng thiếu.
Ngày 24.05.2011, Tổng cục Thống kê loan báo chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam 2,21% trong tháng 5 so với tháng 04.2011, đưa bách phân lạm phát trong 5 tháng đầu năm 2011 lên 12,07% (chỉ tiêu Quốc hội định 7% cho cả năm 2011) và lên đến 19,78% so với tháng 06.2010. Trong rổ hàng hóa, như thường lệ, hàng ăn-dịch vụ ăn uống, giao thông và nhà ở-vật liệu xây dựng tiếp tục là những tác nhân gây tăng giá chính. 
Giá hàng ăn đã tăng chậm lại 3,01% so với 4,5% tháng trước, nhưng, trong nhóm này, giá thực phẩm vẫn leo thang khá mạnh, tăng tới 3,53%, đã ảnh hưởng rất nhiều đến người nghèo vì họ phải ‘hy sinh’ mọi chi tiêu khác nhưng không thể không ăn uống. Do đó, họ phải ăn những thực phẩm giá rẻ, nên kém chất lượng hay có khi độc hại, đang tràn ngập thị trường Việt Nam, nhập cảnh từ Trung quốc. Mức nhập siêu từ Trung quốc đã tăng rất nhanh từ 2,67 tỷ mỹ kim năm 2005 vọt lên tới 12,7 tỷ mỹ kim năm 2010, tức tăng gần gấp 5 lần!
Nguyên nhân lạm phát trong năm tháng đầu năm 2011 ngoài việc tăng giá điện và xăng dầu, phá giá tiền đồng Việt Nam so với mỹ kim còn những chi tiêu tổ chức Đại hội Đảng (khoảng 2.000 tỷ đồng) và bầu cử Quốc hội (700 tỷ đồng) cùng ăn Tết Nguyên đán quá tốn kém.

2./ Dự trữ ngoại tệ cạn dần.
Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam cuối năm 2008 là 23 tỷ mỹ kim. Tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam ngày 09.06.2011 ở Hà Tĩnh, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 13,5 tỷ mỹ kim, tương đương nhu cầu ngoại tệ cho khoảng 1,5 tháng nhập cảng hiện tại của Việt Nam (trong tháng 5, toàn nền kinh tế ước nhập cảng khoảng 9,2 tỷ mỹ kim). Trong khi đó, theo khuyến cáo của Ngân hàng thế giới (WB), mức dự trữ này nên được đảm bảo ở mức ít nhất là 2,5 tháng nhập cảng.
Theo Tổng cục Thống kê, mức thâm thủng mậu dịch, tức là nhập siêu, của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay, đã là khoảng 6,5 tỷ mỹ kim, tức trung bình 1,5 tỷ mỹ kim/tháng. Như vậy, trong 9 tháng nữa, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam sẽ cạn nếu người Việt toàn cầu không gởi tiền về. Việt Nam khó có thể vay nợ ngoại quốc sau vụ Vinashin không thanh toán nợ đúng hạn.

B. Hòa bình với Trung quốc đang bị đe dọa.
Sáng ngày 26.05.2011, tàu khảo sát địa chất Bình Minh 02 đang hoạt động ở thềm lục địa miền Trung Việt Nam, thì ba chiếc tàu hải giám của Trung quốc chạy vào khu vực đang khảo sát và cắt đứt dây cáp thăm dò của tàu thuộc tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Sau đó, các tàu Trung quốc tiếp tục uy hiếp tàu Bình Minh, cản trở hoạt động của tàu này cho đến 9 giờ sáng và cho rằng tàu Việt Nam xâm phạm lãnh hải của Trung quốc mà tàu Bình Minh bác bỏ hoàn toàn. Các tàu hộ tống tàu Bình Minh 02 chỉ biết nhìn và không dám can thiệp.
Điều đáng lưu ý là nơi đây do Vùng 4 Hải quân quản lý, gần quân cảng Cam Ranh, với những chiến hạm hiện đại có nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa, cũng như những máy bay của Không quân, tại Căn cứ Phan rang (Ninh thuận) đều không can đãm can thiệp. 
Người Việt trong và ngoài nước lại càng phẫn uất hơn khi nhà cầm quyền cộng sản không dám triệu tập đại sứ Trung cộng tới Bộ Ngoại giao để hạch hỏi mà phải cử đại diện đến Tòa Đại sứ tại Hà Nội để xin gặp và trao công hàm với “yêu cầu” (thay vì đòi hỏi) họ chấm dứt sự việc. Do đó, lần đầu tiên sau 36 năm, hai cuộc biểu tình tuần hành đã diễn ra tại Hà nội và Sài gòn ngày 05.06.2011, để minh xác ‘Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam’ và phản đối Trung quốc. 

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tối ngày 08.06.2011, tại Nha Trang (Khánh Hòa), Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng đã chủ tọa và phát biểu long trọng tại lễ mít tinh quốc gia nhân Ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2011: Cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.

Ngay hôm sau, lúc 6 giờ ngày 09.06.2011, tàu thăm dò Viking II do Tập đoàn dầu khí Việt Nam thuê đang thu nổ địa chấn đã bị một tàu cá Trung quốc, được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính, chạy cắt ngang phần dây kéo giữ thiết bị dàn trải cáp thu và gây rối 4 đường cáp thu phía bên trái tàu. Tàu Việt Nam đã phát tín hiệu cảnh cáo nhưng tàu cá Trung quốc vẫn lao vào khu vực cáp và vướng vào cáp của Viking II, khiến Viking II không thể hoạt động bình thường. Sau đó, hai tàu ngư chính và các tàu Trung quốc khác vào giải cứu cho tàu đánh cá của họ.

Sau đó, phát ngôn viên ngoại giao Trung quốc Hồng Lỗi nói rằng tàu cá của họ đang hoạt động ở gần Trường Sa thì bị tàu của Việt Nam đuổi theo và, do đó, bị vướng vào cáp của tàu khảo sát dầu khí của Việt Nam, nên họ phải cắt lưới. Ông yêu cầu Việt Nam "ngừng các hành động vi phạm chủ quyền của Trung quốc".

Do đó, ngày 12.06.2011, đồng bào mọi lứa tuổi lại biểu tình chống Tàu công tại Hà nội và Sài gòn, nhưng nơi sau này, nhiều người đã bị đàn áp và bắt bớ vì tội ‘yêu nước’.

Các vụ tấn công tàu Bình Minh 02 và Viking II đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.

II. THỰC HIỆN LIÊN HỆ NHÀ NƯỚC VÀ CÁC TÔN GIÁO TẠI VIỆT NAM.

[Đề nghị: xin mời đọc ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’ Chương 8 có tựa đề ‘Cộng đồng chính trị’ đoạn ‘Nhà nước và các Cộng đồng Tôn giáo’ (từ số 421 đến số 427) hay ‘Con người có lý trí và tự do (4)’ tại

http://vietcatholic.net/News/Html/90036.htm để hiểu mối Liên hệ này.]

Nhà nước biết người dân Việt không ưa họ, nhất là sau các vụ chiếm nhà đất và các bản án phạt tù những người yêu nước, vô tội đã giúp đỡ những đồng bào nghèo, những dân oan. Bằng chứng là công an đã đàn áp thô bạo những người tham gia biểu tình chống Trung quốc ngày 12.06.2011. Tín hữu các Tôn giáo rất bất mãn các nhóm giáo sĩ ‘quốc doanh’ được người cộng sản thành lập để đánh phá các Giáo hội thánh thiện bằng vi phạm Giáo luật. 

A. Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 22/2005/NĐ-CP ngày 01.03.2005.

Bản góp ý xây dựng của các Đức Giám mục thuộc Giáo tỉnh Sài gòn gởi Thủ tướng: 

1. Đại hội Đảng lần VI đã nghị quyết: “Phục vụ con người là mục đích tối cao” của mọi tổ chức và cơ chế xã hội. Do đó, Luật được xây dựng và hoàn thiện phải thực sự “vị nhân sinh”, mang tính tôn trọng sự sống, nhân phẩm và nhân quyền, tôn trọng sự bình đẳng giữa mọi thành phần và giai cấp xã hội, tôn trọng sự tự do làm người hữu ích cho cộng đồng xã hội, hướng đến một trật tự xã hội nhân bản hơn.

2. Hiến Pháp và Pháp Lệnh Về Tín ngưỡng, Tôn giáo đều khẳng định : “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy”. Nhưng Pháp Lệnh năm 2004 và nghị định 22/2005/NĐ-CP đã có nhiều bất cập và bất bình đẳng đối với các Tôn giáo và các chức sắc, như Nhà nước công nhận sự hiện diện, nhưng không công nhận tư cách pháp nhân

của các tôn giáo. Nhờ đó, các tổ chức tôn giáo và chức sắc được tự do tổ chức lễ nghi tôn giáo, truyền đạo, đào tạo, phong chức… không phải xin phép.

3. Pháp lệnh qui định tài sản hợp pháp thuộc các cơ sở tôn giáo được pháp luật “bảo hộ”; nhưng không có văn bản nào nói rõ thế nào là bảo hộ và quyền lợi về phía tôn giáo được bảo hộ như thế nào nên dẫn tới tình trạng nhiều cơ sở và đất đai của các tôn giáo bị chiếm dụng bất công. Luật đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn bất cập, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân. Các tổ chức tôn giáo có quyền làm chủ tài sản và đất đai, đồng thời họ cũng phải nhận trách nhiệm của mình đối với xã hội về những tài sản đó.

4. Các tôn giáo đều có lý tưởng phục vụ con người và xã hội ngày càng thăng tiến hơn, nên đều có các hoạt động xã hội, đặc biệt trong lãnh vực y tế và giáo dục, nhưng bị hạn chế trong một số lãnh vực. Hiện nay, công dân và tổ chức nước ngoài được phép mở bệnh viện, mở trường học tới cấp đại học, nên đề nghị các tổ chức tôn giáo phải được pháp luật nhìn nhận bình đẳng với các pháp nhân khác, trong lãnh vực y tế và giáo dục.

5. Nhìn chung Dự thảo Nghị Định thay thế Nghị Định 22/2005 (lần 5) là một sự thụt lùi nặng nề so với các văn kiện pháp lý hiện có với ý muốn tái lập tình trạng Xin – Cho trong các sinh hoạt tôn giáo. Cơ chế này vừa xoá đi các quyền tự do của người dân, vừa biến một Nhà Nước vì dân thành một chủ nhân ông nắm trong tay các quyền tự do của người dân và thi ân cho họ theo cảm tính hoặc ngẫu hứng của mình.

B. Đối với Giáo hội Công giáo.

Nhân dịp Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức một buổi tọa đàm để ra mắt tại Sài gòn ngày 27.05.2011, Đức cha Nguyễn thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, Chủ tịch Ủy ban, đã có nói với thông tín viên Trần Văn, đài Á châu Tự do (RFA): 
- « Ủy ban Công lý và Hòa bình đặt nặng vấn đề đối thoại theo chiều kích xã hội, chính trị, kinh tế và đó là con đường mà Đức Giáo hoàng Benedicto 16 đã nêu ra một cách rất đặc biệt cho Giáo hội Việt Nam và cũng là con đường của Vatican II. Nhưng đối thoại trong xã hội Việt Nam rất là khó và đối thoại thẳng thắn càng khó hơn. Nhiều người nhận định rằng, có lẽ hiện thời, Nhà nước Việt Nam chưa có thói quen đối thoại thẳng thắn với các tổ chức khác. Hầu như trong quá khứ chỉ thường dùng biện pháp là xin-cho, hay là áp đặt, hay là áp lực nhiều hơn là đối thoại thẳng thắn. »

- « Lễ ra mắt của Ủy ban Công lý và Hòa bình gặp rất nhiều khó khăn, rất nhiều áp lực. Tưởng chừng như không thể tổ chức được vì nhiều sức ép đến từ nhiều nơi. Có lẽ nhiều sức ép lên những cộng tác viên của chúng tôi thì đúng hơn - lên những người trong khâu tổ chức ở địa phương. Còn riêng bản thân tôi thì đối thoại với một số quan chức… 

Nhưng mà cuối cùng, nhờ ơn Trên, Ủy ban đã ra mắt vào ngày 27 vừa qua, mặc dù cho đến chiều 26 vẫn còn những áp lực và những đề nghị là xin dời cuộc họp. Hay là đề nghị nên gạch tên một số người ở trong Ban Thuyết trình, vân vân… 

Khi mà trả lời với một số vị, tôi cũng có nói là có lẽ, đây là lần đầu tiên có một ủy ban của Hội đồng Giám mục ra mắt và đưa ra đường hướng như vậy. Xã hội Việt Nam có lẽ không quen nhưng mà đến lúc, những người Việt Nam, dù ở trong lĩnh vực Nhà nước hay là lĩnh vực dân sự cũng phải quen dần với cách làm việc mới. Trong đó người dân cần có khoảng trống để suy nghĩ và người dân cũng có quyền để tổ chức, để phát biểu, để nói lên ý kiến của mình. » 

Kết luận. Đức Thánh Cha Biển Đức 16 đã nói với các Nhà cầm quyền chính trị phải nhớ nhiệm vụ ‘cai trị theo công bằng’ và đừng ‘thâu tóm mọi sự’ trong tay để ‘trở nên một bộ máy quan liêu’. Nhắc lại ‘Sự phân biệt giữa cái gì thuộc về Xêda và cái gì thuộc về Thiên Chúa’, Ngài xác định lại sứ vụ của Giáo hội Đức Kitô. Lời Đức Thánh Cha thật chính đáng. Thiết nghĩ Nhà nước Việt Nam chăm lo ‘công bằng xã hội’ và ‘bảo vệ Tổ quốc’, hãy để các Cộng đồng Tôn giáo hoàn thành sứ nhiệm và cầu nguyện cho sự toàn vẹn Quê Hương.

Không có nhận xét nào:

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN