Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

Hòn Sỏi và Lời Nói

 Có một định lý trong cuộc sống là:

Thả một hòn sỏi vào trong nước: một miếng nước bắn toé lên, rồi chìm nghỉm. Nhưng để lại vô số gợn sóng lăn tăn xoay tròn. Lan toả từ trọng tâm, tràn ra biển cả.

Thả một hòn sỏi vào trong nước: trong phút chốc bạn lãng quên. Nhưng có những gợn sóng nhỏ xoay tròn, hoà vào con sóng lớn. Bạn đã xáo động một đại dương hùng vĩ chỉ bằng một hòn sỏi mà thôi! Thả một lời nói không tốt, không cẩn trọng: trong phút chốc bay đi. Nhưng để lại vô vàn gợn sóng lăn tăn xoay tròn, lan toả… Và không có cách nào lấy lại một khi bạn đã nói ra.

Thả một lời nói không tốt: trong phút chốc bạn lãng quên.

Nhưng có những gợn sóng nhỏ xoay tròn mãi… Có thể bạn đã làm ứa một dòng nước mắt trên con tim buồn. Bạn đã xáo động một cuộc đời hạnh phúc chỉ vì những lời nói kia.Thả một lời nói vui vẻ và tốt bụng: chỉ trong giây lát chúng bay đi.

Nhưng để lại vô vàn gợn sóng lăn tăn, xoay tròn mãi. Mang hy vọng, niềm vui, an ủi trong mỗi con sóng xô bờ. Bạn sẽ không ngờ được sức mạnh của một lời nói tốt bạn cho đi.

Thả một lời nói vui vẻ và tốt bụng: trong giây lát bạn lãng quên;

Nhưng niềm vui dâng tràn, và những gợn sóng reo vui xoay tròn mãi. Bạn đã làm cho con sóng được vỗ về trong điệu nhạc êm ái.

Xem ra từng hành vi, từng lời nói của chúng ta không vô nghĩa bao giờ. Nó có thể để lại cho đời niềm vui và cũng có thể thể xoáy vào tha nhân nỗi đau tột cùng. Nếu chúng ta biết thả vào đời những lời nói yêu thương, những việc làm bác ái, những thái độ bao dung nhân từ thì chắc chắn chúng ta đang làm cho những con sóng cuộc đời trào dâng tình người nồng ấm. Nếu chúng ta thả vào dòng đời những thù hận, những ghen tương, đố kỵ là chúng ta đang làm gợn lên những làn sóng của bạo lực và chiến tranh.

Cuộc sống gia đình thật hạnh phúc biết bao khi mỗi thành viên biết thả vào đó những hy sinh, những nhịn nhục và sự quan tâm săn sóc, thì có lẽ gia đình sẽ không thiếu niềm vui và tiếng cười.

Giữa dòng cuộc đời mà ai đi qua cũng thả vào đó tinh thần xây dựng, hiệp nhất yêu thương thì có lẽ sẽ không có chiến tranh hận thù. Cuộc sống sẽ là thiên đường tại thế thật hạnh phúc, bình yên.

Các thánh nam nữ là những người đã bước qua cuộc đời này và để lại cho đời những gợn sóng của tình yêu dâng hiến, của tình người vị tha phục vụ quên mình. Họ đã thả vào dòng đời này một tình yêu hiến dâng, một tình yêu cao vời dành cho Thiên Chúa, một con tim rộng mở đến cho tha nhân. Họ là những người nam, người nữ đã cống hiến cuộc đời để đem lại hạnh phúc cho tha nhân. Họ có thể là những con người biết tận dụng khả năng Chúa ban để làm đẹp cho cuộc đời bằng biết bao nghĩa cử yêu thương. Họ có thể là những con người kém may mắn nhưng đã âm thâm gieo vào đời những lời kinh nguyện, những hy sinh cho những người thân yêu. Họ đã biết tôn vinh Chúa qua dòng đời đầy trái ngang bể dâu này.

Hôm nay chúng ta mừng các thánh nam nữ là dịp để nhắc nhở ơn gọi của chúng ta là nên thánh. Ai cũng phải nên thánh. Nên thánh trong bổn phận. Nên thánh trong hy sinh vì lợi ích tha nhân. Nên thánh trong việc đón nhận thánh ý Chúa với lời xin vâng trọn vẹn. Nên thánh giữa dòng đời tục lụy là điều rất khó nhưng không phải là không có thể.

Nếu nên thánh là để lại cho đời những gương sáng, những hy sinh, những khước từ ham muốn tầm thường. Con đường nên thánh không khó. Vì nên thánh chỉ đơn giản là làm theo ý Chúa. Ý Chúa dạy chúng ta phải trung thành với bổn phận. Ý Chúa dạy chúng ta đừng để danh lợi thú sai khiến mình làm hại tha nhân. Ý Chúa bảo chúng ta đón nhận mọi sự với niềm tín thác nơi Chúa. Ý Chúa mời gọi chúng ta vui sống với phận mình. Và chắc chắn nên thánh luôn là con đường hoàn thiện mình trên con đường của tám mối phúc, của một lối sống để cho ý Chúa luôn thể hiện trong cuộc đời của mình.

Như thế, mừng lễ các thánh nam nữ là mừng mọi tín hữu đã đi qua dòng đời này và đã thả vào dòng đời biết bao gương sáng của yêu thương, của phục vụ, của dâng hiến. Họ là những người sống giữa đầm lầy của sự dữ nhưng vẫn giữ được nét thanh cao của con cái Thiên Chúa. Họ không để dòng đời làm vẩn đục tâm hồn họ bởi tham sân si. Họ đã vượt thắng tất cả để “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Ước gì cuộc đời chúng ta luôn biết chiến thắng những ham muốn tầm thường, những cám dỗ của hưởng thụ ích kỷ để sống thanh cao trong cuộc sống. Xin cho từng bước chân của chúng ta luôn để lại cho đời những dấu ấn của tình yêu nồng say. Yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Xin cho những lời ta nói, việc ta làm luôn tạo lên những gợn sóng yêu thương mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân. Amen

(Sưu tầm)

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

Gặp Đấng Phục Sinh



Có lẽ trong phần lớn tâm trí con người hôm nay, câu chuyện Phục Sinh trở nên như mẫu chuyện huyền thoại. Không có gì ngạc nhiên nếu ai đó hững hờ trước câu chuyện hùng hồn mà bạn đang kể về một ai đó chết đi sống lại. Cay hơn có người còn xếp mình vào hạng thần, không phải thần thánh mà là « thần kinh ».
Thiết nghĩ cuộc tranh luận duy lý về Đấng Phục Sinh sẽ là bản kinh cầu không lời kết. Câu chuyện Phục Sinh chỉ có nghĩa khi đời sống ta có niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin là chiều kích tâm linh giúp ta đón nhận những điều huyền nhiệm, những điều khó thể dùng kiến thức lý trí để giải thích tường tận sự kiện. Niềm tin ấy dẫn ta đi qua những nẻo đường mùa chay quạnh vắng, nơi giúp ta khám phá và tái khám phá nguồn gốc và ý nghĩa sự sống. Niềm tin ấy giúp ta bước tiếp trên con đường dẫn ta đến điểm hẹn gặp Đấng Phục Sinh.
Sau cái chết thảm thương trên đồi Gôn-gô-tha,  các tác giả Tin Mừng kể lại những lần hiện ra của Chúa Giê-su. Đọc các chương cuối của Tin Mừng ta có thể điểm danh một số gương mặt được gặp gỡ Đấng Phục Sinh : Maria Madelene, bà Salômê và một người phụ nữ khác cũng tên là Maria (mẹ ông Giacôbê và Salômê), những người lính canh mồ (x. Mt 28,1-8 ; Mc 16,1-8 ; Lc 24,1-6 ; Ga 20,1-10) ; hai môn đệ trên đường Em-mau, một người có tên là Cơ-lê-ô-pát ( x.Lc24,13-35 ; Mc 16,12-13) ; mười một tông đồ Chúa chọn (x.Lc24,36-43 ; Ga 20, 19-20) ;
Ta không có diễm phục gặp gỡ Chúa Giê-su mặt đối mặt như những nhân vật mà thánh ký phúc âm đề cập đến. Vậy mừng lễ Chúa Phục Sinh hôm nay, đâu là cách ta được gặp gỡ Ngài ? Gặp gỡ không hẳn chỉ là cuộc tiếp xúc trực tiếp về thể lý. Gặp gỡ còn là cách nhìn nhận, nhận biết nhau trên phương diện tinh thần. Dù sống trên những vùng địa lý khác nhau, dù có những quan điểm bất đồng, dù có những lý tưởng sống trái ngược, nhưng ta vẫn gặp nhau trong vòng chảy thương yêu của con tim đấy thôi.
Với người tín hữu, gặp gỡ Đấng Phục Sinh là một cuộc chuyển mình, hoán cải lối sống bắt đầu từ niềm tin. Niềm tin là một trong những nhân đức đối thần giúp ta sống tốt tương quan với Đấng Tạo Thành thể hiện qua đời sống cầu nguyện, tham dự các bí tích, học hỏi Lời Chúa. Đi cùng niềm tin ta có niềm cậy. Nhân đức cậy là ngọn đèn hy vọng giúp ta tiến bước vững vàng trên đường về nhà Chúa. Nhân đức thứ ba giúp ta làm tròn bổn phận người con của Chúa, đó là đức mến. Đức mến là tấm lòng con thảo với người Cha chung, yêu Người trên hết mọi sự và yêu thương mọi người như chính bản thân mình.
Bên cạnh các nhân đức đối thần, giáo lý giáo hội cũng dạy ta sống các nhân đức nhân bản : Khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ. Khôn ngoan là đức tính giúp ta nhận ra điều hay lẽ phải, chọn cách thế xử sự vấn đề, sự kiện cách phù hợp nhất để cùng giúp nhau tiến thân. Công bình là đức tính giúp sống chính nghĩa, tôn trọng quyền lợi, đối xử công tâm với mọi người. Can đảm là đức tính giúp ta quyết tâm, dám chọn lựa sống cho lẽ phải dẫu có những thách thức ngang qua. Tiết độ là đức tính giúp làm chủ bản năng, giới hạn dục vọng và điều chỉnh lối sống chừng mực với những gì mình có.
Xin chia sẻ chút tâm tình nhận được qua sự gặp gỡ Đấng Phục Sinh trong cõi lòng tĩnh lặng những ngày trên núi : « Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý (Pl 4,8).
Túm phát cho nó bớt dài : có nhiều phương thế để gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Cầu mong mỗi người tìm được nguồn sống mới nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã mang trọn nỗi đau nhân loại vào cõi chết, Đấng đã đem lại niềm vui cứu độ qua ánh sáng Phục Sinh khải hoàn.
                                                                                                                Vovivu

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Nỗi Niềm Từ Vườn Dầu!



Tiệc ly đã kết thúc, Chúa và các môn đệ đã có những khoảnh khắc bên nhau trong bàn ăn. Nơi đó, khoảng thời gian của bữa tiệc cuối cùng, Chúa đã mặc khải rõ ai là người bán nộp Chúa, ai là người sẽ chối Chúa. Bản chất Thiên Chúa là tình yêu, nên dẫu biết con người bất trung phản nghịch, Chúa vẫn lặng lẽ, sáng tạo lưu dấu tình yêu qua Bí Tích Thánh Thể, để ở lại luôn mãi với chúng con. Chúng con xin cảm tạ tình yêu tuyệt đối của Chúa.
Hết tiệc ly, Chúa đi vào không gian rất thinh lặng để cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha, để chuẩn bị tinh thần thi hành thánh ý Cha, bằng cách đón nhận chén đắng hy sinh trong chương trình cứu độ.
Lạy Chúa Giêsu! Hơn hai ngàn năm, thời gian đã quá xa, nhưng vọng lại cuộc khổ nạn vì yêu của Chúa vẫn rất gần, thiết tha và thời sự nơi cung lòng Giáo Hội thân yêu mà Chúa đã thiết lập.
Giờ đây, khởi đầu Tam Nhật Vượt Qua, chúng con sống lại biến cố Chúa lập Bí Tích Thánh Thể để biểu lộ nghĩa ân cao cả của Chúa Tình Yêu. Cùng Chúa chiều thứ 5 hôm đó, chiều nay nơi Vườn dầu vắng đi vào sâu lắng nội tâm.
Đêm đen mỗi lúc trùng xuống dương gian, cảnh vật như đồng cảm với vị Thiên chúa làm Người đang đối diện với cái chết oan ương. Sầu thương và tê tái! Buồn trong gió nhẹ sương rơi như từng Lời của Cha từ Trời đến: Đây là con Yêu Dấu Ta! Mà sao không ai lắng nghe Lời Người? Nghẹn ngào lắm Chúa ơi, có lẽ Chúa chỉ trả lời bằng tinh thần xao xuyến, bằng sợ hãi lo âu, bằng lặng thinh, cúi đầu chấp nhận vì xót thương. Lòng người thế chúng con chẳng thể lường nổi, tinh thần thì hăng hái, xác thịt lại nặng nề, dễ đổi thay. Ai đâu hay chính kẻ đã cùng Chúa chia ngọt sẻ bùi, đã cùng Chúa buồn vui chung bước ba năm qua trên dải đường gieo rắc thương yêu, nay lại nộp Chúa chỉ vì 33 đồng bạc. Ba mươi ba năm tại thế của Thầy Giê-su được môn đệ Giuđa phản bội bán vội 33 đồng bạc. Thật là bạc bẽo quá phải không Chúa?
Lạy Chúa, nếu Chúa vẫn hiện diện đó đây trong cuộc sống, nơi những người con gặp trên đường đời, trong chính cộng đoàn con đang sống, liệu Chúa có còn bị bán nộp để chịu chết lần nữa chăng? Chắn chắn không thể thoát nổi nữa rồi. Nhưng người nộp Chúa là ai? Có phải con chăng lạy Chúa? Rất có thể! Vì chúng con còn thiếu lòng tin hơn các môn đệ. Nếu con tin Chúa hiện diện nơi tha nhân, sao có những lần con đã không kiềm chế được sự ích kỷ, ghen tuông, để rồi chúng con kết án người khác cách vội vàng vô cớ, trong khi con mới chính là người đáng bị kết án.
Chúng con không chối Chúa, sao biết bao nhiêu lần tự trọng quá cao thành tự ái, do cái tôi quá lớn, do sĩ diện bản thân, chúng con đã ngần ngại tuyên xưng mình là môn đệ Chúa, đã không dám bênh vực chân lý, đã sợ bị lụy chẳng dám nói sự thật để bảo vệ nhau. Có lẽ đêm nay, mỗi người chúng con tĩnh lặng tâm tư đi vào Vườn Dầu với Chúa, mới thấy bản thân chúng con là nguyên nhân của cuộc thương khó kéo dài, mà thân mình mầu nhiệm Chúa Ki-tô đang gánh chịu cùng cuộc khổ nạn Chúa hôm nào nơi Vườn Dầu xưa.
Nếu ý thức được tội lụy bản thân, chúng con sẽ bớt phần thánh giá nặng nề ê chề trên vai Chúa. Nước mắt ăn năn của Ma-đa-lê-na đã xóa sạch tội khiên mà báo năm gây phiền và tạo khó cho nhiều người. Nước mắt của lòng sám hối đã xóa mọi trang nhật ký quá khứ của bao Thánh nhân để dòng chữ yêu thương của trang cuối đậm rõ bước đổi thay.
Hôm nay đây, ngay giờ này, chẳng phải hẹn mai kia, chúng con cũng đang được Chúa mời gọi thức tỉnh với Chúa để sống nội tâm nơi sa mạc cõi lòng. Thế giới đầy náo động, đầy ồn ào của tiền tài danh vọng, của tiếng nhạc chát chúa mê đắm những xác thân nơi phòng trà bất chính, trong khách sạn trá hình, đang tha hóa lương tâm con người. Trong ngữ cảnh đó, Chúa vẫn mời gọi chúng con là môn đệ Chúa sống chứng từ Tin Mừng Nước Chúa cách hùng hồn, không phải chỉ bằng lời mà bằng hành động và đời sống hy hiến cho ơn cứu độ trần gian.
Lạy Chúa Giê-su!
Càng trong đêm đen Vườn Dầu, hình ảnh Chúa càng nhân hậu, quang minh và thanh khiết. Chúa vô tội đã chết để chuộc tội chúng con. Chúa đáng tôn vinh trên hết, đã hạ mình chịu nhục nhã, để nhân phẩm chúng con được nâng cao. Chúa là nguồn hoan lạc, ủi an đã chịu buồn bã, cô đơn để xoa dịu vết thương do tội lụy chúng con tự gây nên.
Chúa trong vườn dầu đêm xưa chưa thể phai mờ, những giờkhắc đau thương của Chúa vẫn còn là dấu lặng dài bi ai nơi: bao trẻ thơ bỏ rơi và ngàn vạn thai nhi vô tội mỗi ngày chết tức tưởi đang gia tăng; nơi những người công chính đang phải chịu bất công cảnh đời; nơi những kitô hữu đang bị bách hại dã man, nơi phận nghèo nàn màn trời chiếu đất; và nơi vô số cảnh đời bi ai bất hạnh khác nữa…
Trời tối thêm, tím quặn đau làm sầu buồn Thiên Chúa. Chén đắng Cha trao lẽ nào không đón nhận? Xin vâng ý Cha, Chúa uống cạn ly rượu tiệc giả nhân của gian trần thiết đãi.
Ôi Giê-su, lòng nhân ái bao dung! Chúng con xin uống cùng chén đắng, xin đồng hành cùng Chúa trên đường Thập tự Chúa đi. Bước chúng con yếu đuối, nhưng chúng con khát khao cùng Chúa vác Thập giá đời mình, cùng Chúa gieo bước yêu thương. Xin giúp sức chúng con dù đường đầy gai góc. Xin Chúa giúp chúng con luôn son sắt yêu mến Thập giá Chúa và đi cùng Chúa đến đỉnh đồi yêu thương.Amen. 

    Từ :https://www.facebook.com/BinhThuongThoi/posts/1613901121993159                                                                                                                                     br. Nguyễn Luật.

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

Tuổi Thơ Làng Vạn

Có lẽ với mỗi người, tuổi thơ nơi quê hương luôn là những trang sống tươi đẹp, hồn nhiên, nơi tìm thấy niềm vui vô tận, nơi có những kỷ niệm khó quên nhất. Ai lớn khôn mà không ngang qua lời ru à ơi của mẹ ! Ai không nặng lòng khi tìm về tuổi thơ trên cát, bên bến sông quê, trên con đường làng, dưới lũi tre xanh rì rào mỗi trưa hay trên cánh đồng quê những chiều nhìn cánh diều no gió… !
Mỗi người đều có nơi chôn nhau cắt rốn, nơi ươm trồng những bước chân tuổi thơ. Tôi cũng có một tuổi thơ, tuổi thơ Làng Vạn. Tuổi thơ ấy nay đã đầu ba đuôi ba chấm. Nhiều lần sống lại tuổi thơ trong những giấc mơ, có khi tìm thấy chúng qua những cuộc hội ngộ thân tình, bên nhau chén anh chén chú kể chuyện xưa. Cười, ngẫm, tiễn tuổi thơ vào miền nhớ và rồi bâng quơ bước tiếp.
Làng Vạn, tuổi thơ tôi, âu cũng là miền thơ ấu của một làng quê mộc mạc, chân chất, không thiếu cái ăn cái mặc nhưng cái để dành chỉ có vài mảnh. Muốn về lại sông quê trên chiếc thuyền mộc, ngược xuôi trên dòng sông Ngàn Phố, phiêu diêu cùng dòng chảy có lúc êm đềm như nệm, có lúc dạt dào mãnh liệt. Dòng chảy ấy vô tình hay thiên ý làm nên chất người Làng Vạn : hoang sơ như lau dại bám bờ đất lở, chất phác như những cồn cát ẩn hiện theo mùa nước lũ, vững chải như đá chìm nỗi giữa những thác nước ào ào cuộn chảy.
Làng Vạn không khai sinh từ đất nên cuộc sống bồng bềnh. Trôi nỗi trên sông nước nên cảnh đời khá chênh vênh. Tuy thế những người con khai sinh từ nước vẫn tìm được bến đậu an bình. Về nguồn trong hoài niệm của bậc cao niên, tôi nhận biết rằng có một vị thánh luôn hiện diện trong mỗi thước sống người dân vạn chài, vị thánh mà hôm nay giáo hội hoàn vũ mừng kính: thánh Phê-rô tông đồ.
Xuất thân từ làng chài trên biển hồ Ga-li-lê, chắc thánh nhân am hiểu tường tận cảnh sớm hôm quăng chài thả lưới. Có những đêm thâu miệt mài dăng câu mà cá đâu chẳng thấy cắn mồi. Rồi những mùa mưa lũ, nước đầu nguồn bất chợt đổ về, thêm những trận cuồng phong giật từ cấp nhỏ tới cấp to khiến thuyền mộc lật mái trôi lênh đênh giữa dòng. Chuyện xưa kể rằng: hai cha con đang quăng chải giữa dòng, bỗng nước đầu nguồn đổ xuống ào ào, cùng lúc gió lớn ập tới khiến thuyền lật úp trôi theo nước xiết. Hai cha con bám lấy mạn thuyền mặc kệ cho nước lũ cuốn đi. Trong lúc khốn khổ ấy người cha đọc kinh ăn năn tội : lạy Chúa con, Chúa định cho con chết cách nào…, lúc đó người con định thần kêu lên : chết cách lũ lụt chứ cách gì nữa. Lời mộc mạc của đứa con bỗng trở thành động lực giúp hai người cập bến bình an.
Tìm về tuổi thơ cũng là tìm về với nguồn cội nơi hình thành bước sống đời ta. Nơi ấy ta tìm lại sức sống tươi đẹp, hồn nhiên. Nhưng sâu xa hơn, cội nguồn của sức sống ấy là do bởi Đấng đã ban cho ta khí trời, sông nước, thiên nhiên và muôn loài trong vũ trụ. Bởi đó ta nên sống trong tâm tình cảm tạ Đấng đã trao ban sự sống, Đấng luôn đồng hành cùng ta qua những người được chọn để tiếp tục hướng dẫn dân Chúa đi trong ánh sáng của Người.
          Hôm nay Làng Vạn với cái tên gọi thân thương « Yên Hòa », chung lời cảm tạ cùng giáo hội hoàn vũ mừng kính trọng thể hai vị thánh Phê-rô và Phao-lô, những người mà Chúa đã chọn làm cột trụ cho tòa nhà hội thánh. Nguyện hai thánh nhân thêm sức để những người con vạn chài hôm nay can đảm ra khơi tung lưới quăng chài với lòng nhiệt thành như hai thánh tông đồ xưa, dùng lưới Tin Mừng truyền ban lẽ sống yêu thương. Ước gì chúng ta luôn biết noi gương hai vị thánh, can đảm trước thử thách, tín thác trong gian nan, nhẫn nại khi đợi chờ, quảng đại trong yêu thương và trung thành trong ơn gọi tín hữu.
                                                                                   thân ái
                                                                                  Vovivu

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội thứ 51

“Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi” (Is 43,5)
“Thông truyền niềm Hy vọng và sự Tin tưởng trong thời đại chúng ta”
Nhờ những tiến bộ về công nghệ, việc tiếp cận các phương tiện truyền thông giúp cho biết bao người có thể chia sẻ thông tin tức thời và phổ biến rộng rãi. Những tin tức ấy có thể tốt hay xấu, đúng hay sai. Các Kitô hữu đầu tiên đã ví tâm trí con người như chiếc cối xay liên tục; cối xay ấy phải xác định sẽ xay cái gì: lúa tốt hay cỏ lùng. Tâm trí chúng ta luôn phải “xay”, nhưng nhiệm vụ của chúng ta là lựa chọn cái gì để xay (x. Thánh Gioan Cassian, Thư gửi Leontius).
Tôi muốn gửi sứ điệp này đến tất cả những ai, trong công việc chuyên môn của mình hoặc trong các mối tương quan cá nhân, giống như những chiếc máy xay ấy, hằng ngày “xay ra” những thông tin để cung cấp lương thực bổ dưỡng cho những người mà họ giao tiếp. Tôi muốn khuyến khích mọi người tham gia vào các loại hình truyền thông mang tính xây dựng, loại bỏ định kiến với người khác và cổ võ nền văn hóa gặp gỡ, giúp mọi người chúng ta nhìn thế giới xung quanh một cách thực tế và đầy tin tưởng.
Tôi tin rằng chúng ta phải phá vỡ cái vòng lẩn quẩn của sự lo âu và phải ngăn chặn vòng xoáy của nỗi sợ hãi phát xuất từ thói quen tập chú vào “những thông tin xấu” (chiến tranh, khủng bố, những bê bối và tất cả các loại thất bại của con người). Hẳn nhiên đây không phải là cổ võ cho những thông tin sai lạc chẳng lưu tâm đến bi kịch đau khổ của con người, cũng không phải là lạc quan ngây thơ mù quáng với những bê bối của cái ác. Trái lại, tôi muốn rằng tất cả chúng ta hãy nỗ lực vượt qua cảm xúc bất mãn và cam chịu ấy, vốn đôi khi gây ra sự dửng dưng, sợ hãi hay ý tưởng rằng cái ác không có giới hạn. Hơn nữa, trong một hệ thống truyền thông cho rằng thông tin tốt thì chẳng ai tin, và bi kịch nỗi đau của con người và mầu nhiệm sự dữ dễ dàng biến thành thú vui; thì chúng ta luôn bị cám dỗ ru ngủ lương tâm hoặc rơi vào bi quan thất vọng.
Thế nên tôi muốn góp phần vào việc tìm kiếm một phong cách truyền thông rộng mở và sáng tạo, một phong cách không bao giờ tìm cách làm cho cái ác trở nên hấp dẫn nhưng tập trung vào các giải pháp và truyền cảm hứng cho người tiếp nhận thông tin đến với các thông tin một cách tích cực và có trách nhiệm. Tôi kêu gọi mọi người hãy cung cấp cho con người ngày nay những câu chuyện thực chất là những “tin vui”.
Tin vui. Cuộc sống không đơn giản chỉ là một chuỗi các sự kiện nối tiếp nhau, nhưng là một lịch sử, một câu chuyện chờ được kể qua việc lựa chọn một lăng kính diễn giải có thể chọn ra và thu thập các dữ liệu có liên quan nhất. Thực tại tự nó không có một ý nghĩa rõ ràng. Tất cả tuỳ thuộc vào cách chúng ta nhìn nhận sự việc, theo lăng kính chúng ta dùng để quan sát. Nếu chúng ta thay đổi lăng kính, thực tại sẽ xuất hiện khác đi. Vậy làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu “đọc” được thực tại qua các lăng kính đúng?
Đối với người Kitô hữu chúng ta, lăng kính ấy chỉ có thể là tin vui, khởi đầu với Tin Mừng tuyệt hảo: “Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Với những lời này, Thánh Máccô mở đầu Phúc Âm của ngài không phải bằng cách tường thuật “tin vui” về Chúa Giêsu, nhưng tường thuật tin vui là chính Chúa Giêsu. Thật vậy, đọc các trang sách Phúc Âm Máccô, chúng ta thấy rằng nhan đề tương ứng với nội dung, và trên hết, nội dung này là chính con người Chúa Giêsu.
Tin vui này – là chính Chúa Giêsu – không phải vui vì không dính dáng gì tới đau khổ, nhưng vì chính đau khổ đã được sống trong một khung cảnh rộng lớn hơn, như một phần thiết yếu của tình yêu của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và với cả nhân loại. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã bày tỏ sự liên đới với mọi hoàn cảnh của con người. Ngài đã nói với chúng ta rằng chúng ta không đơn côi, vì chúng ta có một Người Cha luôn lưu tâm đến con cái mình. “Đừng sợ, vì ta ở với ngươi” (Is 43: 5): đây là những lời đầy an ủi của một Thiên Chúa dìm mình vào lịch sử của dân Ngài. Trong Con yêu dấu của Ngài, lời hứa này của Thiên Chúa – “Ta ở với ngươi” – đảm nhận mọi nỗi yếu đuối của chúng ta, kể cả chết với cái chết của chúng ta. Trong Đức Kitô, ngay cả bóng tối và cái chết cũng trở thành nơi gặp gỡ Ánh sáng và Sự sống. Hy vọng bừng lên, một niềm hy vọng ai cũng có thể chạm đến, ngay tại nơi cuộc sống gặp thất bại cay đắng. Niềm hy vọng ấy không làm chúng ta thất vọng, vì tình yêu của Thiên Chúa đã được tuôn đổ vào lòng chúng ta (Rm 5,5) và làm cho cuộc sống mới nở hoa, như một chồi non mọc lên từ hạt giống rơi xuống. Khi nhìn trong ánh sáng này, mọi bi kịch mới xảy ra trong lịch sử thế giới cũng có thể trở thành một bối cảnh cho tin vui, vì tình yêu luôn tìm ra cách để đến gần và khơi gợi những tấm lòng chân thành, những khuôn mặt quả quyết và những bàn tay sẵn sàng dựng xây.
Niềm tin vào hạt giống của Vương quốc. Để trình bày cho các môn đệ và đám đông tinh thần Phúc Âm này và ban cho họ đúng chiếc “lăng kính” cần thiết để nhìn và nắm bắt được tình yêu đã chết và đã sống lại, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn. Ngài thường so sánh Nước Thiên Chúa với một hạt giống từ bỏ sự sống của mình ngay khi nó rơi xuống đất và chết đi (x. Mc 4,1-34). Việc sử dụng hình ảnh và ẩn dụ để truyền thông sức mạnh thầm lặng của Vương quốc không làm giảm tầm quan trọng và tính cấp thiết của Vương quốc; nhưng lại là một phương thức đầy thương xót giúp cho người nghe có được tự do đón nhận và tìm cho mình sức mạnh ấy. Đó cũng là cách hiệu quả nhất để diễn tả phẩm tính vô biên của mầu nhiệm Vượt Qua, bằng cách dùng hình ảnh –hơn là khái niệm–, để thông truyền vẻ đẹp nghịch lý của cuộc sống mới trong Chúa Kitô. Trong cuộc sống ấy, khó khăn và thập giá không làm cản trở, nhưng mang lại ơn cứu độ của Thiên Chúa; sự yếu đuối chứng tỏ mình mạnh mẽ hơn bất cứ quyền lực nào của con người; và thất bại có thể lại khơi mào để hoàn thành mọi sự trong tình yêu. Niềm hy vọng trong Vương quốc trở nên vững mạnh và đâm rễ sâu theo cách thế này: đó là “như một người gieo hạt giống trên mặt đất, dù đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên” (Mc 4,26-27).
Vương quốc của Thiên Chúa đã hiện diện giữa chúng ta, như một hạt giống dễ dàng bị bỏ quên, nhưng vẫn âm thầm đâm rễ. Những ai được Chúa Thánh Thần ban cho cái nhìn bén nhạy có thể nhìn thấy hạt giống ấy nảy mầm. Chúng không để cho mình bị cướp mất niềm vui của Vương quốc bởi các loại cỏ lùng mọc khắp nơi.
Các chân trời của Chúa Thánh Thần. Niềm hy vọng của chúng ta, dựa trên tin mừng là chính Chúa Giêsu, khiến chúng ta ngước mắt lên chiêm ngắm Chúa trong cử hành phụng vụ lễ Chúa Thăng Thiên. Dẫu rằng hiện nay Chúa có vẻ xa cách chúng ta, nhưng chân trời hy vọng lại càng rộng mở. Trong Đức Kitô, Đấng đưa bản tính nhân loại của chúng ta lên thiên đàng, mỗi người, nam và nữ, nay có thể tự do “đi vào cung thánh nhờ máu của Chúa Giêsu, nhờ con đường mới và mang sự sống mà Người khai mở cho chúng ta qua bức màn, tức là, qua thân xác Người” (Dt 10,19-20). Nhờ “quyền năng của Chúa Thánh Thần”, chúng ta có thể trở nên những chứng nhân và “người truyền thông” về một nhân loại mới và được cứu chuộc, “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,7-8).
Niềm tin vào hạt giống của Vương quốc Thiên Chúa và mầu nhiệm Phục Sinh cũng định hình phong cách truyền thông của chúng ta. Niềm tin tưởng này khiến chúng ta có thể thực hiện công việc của mình –bằng nhiều hình thức truyền thông ngày nay– với niềm xác tín rằng có thể nhận ra và làm nổi bật những thông tin tốt đẹp trong mỗi câu chuyện và trong khuôn mặt của từng người.
Những ai phó thác cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình trong đức tin, sẽ nhận ra cách thế Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong từng khoảnh khắc cuộc sống của họ và trong lịch sử thế giới như thế nào, khi Ngài kiên nhẫn dệt thành lịch sử cứu độ. Niềm hy vọng là các sợi chỉ dệt nên lịch sử thánh thiêng này, và Người thợ dệt không ai khác hơn là Chúa Thánh Thần, Đấng An ủi. Niềm hy vọng là đức tính khiêm tốn nhất trong các đức tính, vì nó vẫn ẩn giấu trong các ngóc ngách của cuộc sống; nhưng nó lại giống như men làm cho cả khối bột dậy men. Chúng ta nuôi dưỡng niềm hy vọng bằng cách đọc đi đọc lại Phúc Âm, vốn được “tái bản” qua rất nhiều phiên bản trong đời sống của các thánh là những người đã trở thành biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới này. Hôm nay cũng vậy, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục gieo vào lòng chúng ta nỗi khát khao Nước Trời, nhờ tất cả những ai, lấy cảm hứng từ Tin Mừng giữa những biến cố bi thảm trong thời đại chúng ta, chiếu toả như những ngọn đèn hiệu trong bóng tối của thế giới này, để soi sáng đường đi và mở ra những con đường mới của tin tưởng và hy vọng.
Vatican, ngày 24 tháng 1 năm 2017
ĐTC Phanxicô (Minh Đức chuyển dịch)
see more : http://hddmvn.net/su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-28-5-2017/

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

WYD

Dư âm Krakow


Qua hành trình đại hội giới trẻ thế giới 2016, có thật nhiều kỷ niệm đẹp, những khám phá thú vị. Đặc biệt rất ấn tượng về công tác tổ chức, tâm tư tình cảm con người Balan. Xin điểm lại một số sự kiện qua cảm nhận cá nhân.
Khai mạc đại hội

Phố phường Krakow tràn ngập sắc áo màu cờ. Lúc 17h30 ngày 26/07 tại công viên rộng lớn Blonia quy tụ hàng trăm ngàn bạn trẻ về dự lễ khai mạc do đức hồng y Stanislaw Dziwisz chủ tế.
Sau cơn mưa bầu trời Krakow dịu mát, những khuôn mặt tuy lạ mà quen, xa mà gần hiện diện bên nhau. Thật hạnh phúc được sống những giây phút lịch sử này. Niềm tin Ki-tô giáo là dấu chỉ linh thiêng, là sợi dây vô hình nối kết mọi người. 
Gần đây, thế giới có thật nhiều biến động khiến con người thiếu niềm hy vọng. Cuộc gặp gỡ của bạn trẻ tại Krakow sẽ thắp nên ngọn lửa hy vọng. Họ cho nhau niềm tin qua việc đổi trao những trải nghiệm, chia sẽ niềm vui, và đón nhận nhau trong tình thương mến thương. Chúng tôi hiểu rằng là con của Chúa, Người Cha Nhân Lành, giàu lòng thương xót thì chúng tôi không thể sống thiếu tình yêu. Đến với nhau, gặp gỡ nhau là để thực hành Lòng Thương Xót của Chúa Cha, sống quảng đại, biết thứ tha, biết vì thiện ích chung mà hy sinh lối sống thiếu lành mạnh và ích kỷ vốn là nơi dung thân của thế lực bóng tối.
Chào mừng sự hiện diện của Đức Thánh Cha (ĐTC)

    Dòng người đổ về lâu đài Wawel, nơi đón tiếp ĐTC Phanxicô. Lâu đài tọa lạc trên đỉnh đồi cao, cạnh dòng sông Vistula thơ mộng. Từng là nơi ở của các gia đình hoàng gia, xây dựng vào đầu thế kỷ 14, một công trình nghệ thuật kiến trúc Roman-Gothic, ngày nay lâu đài trở thành không gian nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, và là khu bảo tàng quốc gia nỗi tiếng.
Xem ảnh gốcChừng vài trăm ngàn người với muôn màu cờ rực rỡ tung bay, đứng quanh các ngả đường nơi Đức Thánh Cha đi qua. Những tiếng chào, lời ca tiếng hát vang lên khi chiếc xe chuyên dụng chở ĐTC chầm chậm tiến về lầu đài. Con người hết đỗi thân thiện ấy luôn nở nụ cười hiền hòa, bàn tay vẫy chào, sự hiện diện của ĐTC làm cho bầu khí thêm an vui. Chiều hôm nay, các bạn trẻ sẽ có cuộc hội ngộ đầu tiên với ĐTC trong những ngày diễn ra đại hội.
17h30 ngày 28/07, trên 1 triệu bạn trẻ cùng với dân bản xứ Krakow hiện diện tại công viên Blonia chính thức chào đón đức thánh cha Phanxicô. Ngài đi từ lâu đài Wawel đến công viên trên tàu điện trang trí màu vàng-trắng, màu cờ Vatican.
Buổi gặp mặt đầu tiên với các bạn trẻ, với dọng nói ấm áp thân tình, ĐTC khuyến khích bạn trẻ dấn thân xây dựng những chiếc cầu nối kết tình thân, dẹp bỏ những bức tường ngăn cách. Với dọng khôi hài, người nói: tôi thật buồn khi gặp những bạn trẻ “hưu trí”, những bạn trẻ không can đảm đối diện với những thách thức của cuộc sống. Chúng ta cần phải làm quen với những gì đang diễn ra trên thế giới, có những điều tốt nhưng không thiếu những điều không tốt. Cuộc sống vốn dĩ là vậy, đừng sợ hãi. Thiên Chúa lớn hơn mọi sự, Thiên Chúa là Đấng tốt lành, vì thế trong mỗi chúng ta luôn có sự thiện.
Cách riêng , người kêu gọi bạn trẻ cũng như đất nước Balan mở rộng cửa đón tiếp những người tị nạn, những người đang chịu nhiều mất mát vì phải lưu vong nơi xứ người bởi chiến tranh loạn lạc.
Tuy Balan chưa phải là xứ sở màu hồng, cũng chẳng phải quá xám khi một Âu Châu đang phải đối diện với những vấn nạn thời đại. Đức thánh cha Phanxicô mời gọi đừng gập mình lại, tốt hơn nên sống cởi mở, biết đón nhận và giúp nhau vượt qua những thách thức.
14 chặng đường thánh giá
   
Chiều 29.07, số bạn trẻ hiện diện tại công viên Błonia đông thêm (hơn 2 triệu), tham dự nghi lễ 14 chặng đường thánh giá trọng thể. Tuy số người đông đảo nhưng nghi lễ diễn ra rất trang nghiêm, sốt mến. Cuối buổi Đức Thánh Cha chia sẻ: 14 chặng đường thánh giá là 14 tác phẩm lòng thương xót. Nhìn mọi sự đang diễn ra: nghèo đói, bất công, bạo lực, bất ổn, sự dữ.. con người luôn tự chất vấn và không dễ tìm câu trả lời. Khi ngắm nhìn và thực hành lòng thương xót, họ sẽ hiểu hơn những biến cố trên hành tinh này. Hình ảnh Chúa Giêsu trên thập giá nói lên tất cả. Giêsu hiện diện với mọi người, đặc biệt nơi người nghèo khổ, đói khát, người bất hạnh, người vô gia cư, người tị nạn, người bị chia cắt bởi chiến tranh loạn lạc. Anh chị em, đặc biệt là các bạn trẻ thân mến, các con hãy trở nên tác phẩm lòng thương xót. Không có lòng thương xót, chúng ta chẳng làm được gì.
Canh thức tại khuôn viên Thương Xót (Campus Misericordiae)
Đêm canh thức tại khuôn viên Thương Xót, cách trung tâm Krakow chừng 17 km, hội tụ gần 3 triệu bạn trẻ và người dân Balan. Chúng tôi có những trải nghiệm tuyệt vời. Cầu nguyện chung, chầu thánh thể, ca hát, khiêu vũ, trao đổi những món quà kỷ niệm...; Ngủ dưới bầu trời lấp lánh những ánh sao, tuy là màn trời chiếu đất, nhưng giấc ngủ thật tuyệt vời, chúng tôi mơ về nhau, thi nhau ngáy, một số kể chuyện đêm khuya khi vẫn còn say giấc ngủ.
Lễ sai đi
   
Sáng 31.07, lễ bế mạc diễn ra dưới nắng mai chan hoà. Trong bầu khí sốt mến mọi người được nghe lời giáo huấn của vị chủ chăn thân thiện.
Đi từ câu chuyện Giakêu Đức Thánh Cha triển khai: chúng ta đến đây là để gặp Giêsu. Nhưng cuộc gặp ấy không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có nhiều rào cản khiến chúng ta khó gặp Chúa, điển hình như Giakêu chúng ta có ba rào cản. Thứ nhất là hình dáng nhỏ bé. Sự nhỏ bé có thể là cái nhìn thiển cận, lòng hẹp hòi, ích kỷ ...là hiện thân của bức tường ngăn cách ta với Chúa. Rào cản thứ hai là sự xấu hổ. Nhiều lần chúng ta mặc cảm về mình, sợ hãi, thiếu can đảm, không cố gắng phát triển những tiềm năng bản thân, sống khép mình, mặc kệ đời kệ người...chúng cũng là những biểu hiện cản trở gặp gỡ, đối thoại với Giêsu. Rào cản thứ ba là đám đông. Cuộc sống của chúng ta lệ thuộc môi trường sống trong cộng đồng xã hội. Nhiều lần sức ép dư luận, sự đổi thay, những biến cố con người luôn tác động đến suy tư, tư tưởng và hướng sống tốt lành của chúng ta. Những tác động đó đôi khi làm chúng ta quên đi cuộc gặp gỡ cần thiết nhất, sự gặp gỡ đem lại sức sống vẹn toàn, đó chính là gặp gỡ Giêsu. 
Giakêu đã bước qua những rào cản để gặp Chúa, chúng ta cũng vậy. Vượt qua những thách đố, những khác biệt từ địa lý, văn hóa đến những khác biệt tưởng chính trị xã hội, chúng ta đã đến gần bên nhau, sống và chia sẻ cho nhau những gì chúng ta có, những gì chúng ta là. Và như thế chúng ta làm cho Chúa Giêsu hiện diện trong cuộc gặp gỡ tuyệt vời này.
  





Trước lúc trở về cuộc sống thường ngày đức thánh cha Phanxicô nhắn nhủ: qua trải nghiệm đại hội, bạn trẻ thân mến, các bạn hãy kể về những trải nghiệm lòng thương xót của Chúa với mọi người. Hãy làm cho Giê-su hiện diện luôn trong ngôi nhà của bạn. 
Thân ái chào và hẹn gặp lại tại Panama 2019.
vovivu

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN