Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

TRUYỆN MỘT TÂM HỒN - THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊ-SU ( 1873-1897)

I. TÁC GIẢ
Tác giả tên là Maria Phanxica Têrêsa Martin (Marie Françoise-Thérèse Martin), sinh ngày 2 tháng giêng năm 1873 tại Aleçon, Normandie, Pháp. Con của ông Louis Martin và bà Zélie Maria. Họ có chín người con, song chỉ có năm cô con gái là sống sót đến tuổi trưởng thành - Marie, Pauline, Léonie, Céline và Thérèse. Têrêsa là con út trong nhà. Lên bốn tuổi thì mẹ của Têrêsa qua đời vì bệnh ung thư.

Têrêsa theo học tại tu viện Notre Dame due Pre của dòng Bênêđíctô. Khi được chín tuổi, chị Pauline, người đã đảm nhận vai trò là người mẹ thứ hai của Têrêsa, gia nhập tu viện dòng Carmel tại Lisieux.
Têrêsa cũng muốn vào dòng như chị, nhưng còn nhỏ tuổi quá. Ở tuổi 15, sau khi chị Marie cũng nhập tu viện carmel, Têrêsa lại thử xin vào dòng một lần nữa, nhưng cha bề trên của tu viện vẫn không đồng ý, vì người còn quá trẻ. Ông Martin dẫn con đi hành hương Rôma. Trong buổi tiếp kiến dân chúng với Giáo Hoàng Lêô XIII, Têrêsa đã xin người cho phép mình nhập dòng ở tuổi 15. Nhưng Giáo Hoàng nói: “này con hãy làm theo ý bề trên quyết định”. Ít lâu sau, Giám mục Bayeux ra quyền cho bề trên dòng nhận Têrêsa. Tháng 4 năm 1888, Têrêsa trở thành một nữ tu dòng Carmel. Năm 1889, ông Martin lên cơn đột quỵ và phải vào nhà thương sống ở đó 3 năm. Sau ông trở lại Lisieux và qua đời năm 1894. Sau cái chết của cha, Céline chị của T cũng gia nhập tu viện Carmel. Còn chị Léonie, sau nhiều lần thất bại với dòng này, trở thành nữ tu Fracoise-Thérèsa của dòng Đức Bà Thăm Viếng ở Caen.

II. HOÀN CẢNH RA ĐỜI TÁC PHẨM

      Tác phẩm Truyện Một Tâm Hồn là tập tự truyện gồm ba bản thảo viết tay trong những năm gần cuối đời Thánh Nữ. Để hiểu rõ hơn hoàn cảnh ra đời của tập tự truyện về con đường thơ ấu linh thiêng của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu xin được trích dẫn phần nhập đề tổng quát trong truyện một tâm hồn:
Chính nhờ người chị cả là Marie du Sacré-Coeur, mà chúng ta có được hai trong ba bản văn vô giá này ( và một cách gián tiếp, cả bản văn thứ ba). Chính chị đã đích thân thuật lại câu chuyện trước tòa án của Bản Quyền sở tại ( Procès de l’Ordinaire) khi trả lời câu hỏi : “chị biết gì về xuất xứ của các bản thảo này ( truyện một tâm hồn) và tình trạng toàn vẹn của nó?”.
"Vào một chiều mùa đông, sau giờ kinh sách, chúng con đang ngồi sưởi ấm cùng với chi Têrêsa, chị Geneviève và Mẹ Bề Trên Agnès de Jésus. Chị Têrêsa kể cho chúng con nghe vài ba nét về thời thơ ấu cảu mình. Bấy giờ con mới nói với Mẹ Bề Trên: “chẳng lẽ Mẹ bằng lòng để cho em nó làm mấy bài thơ nho nhỏ để mua vui cho một ít người, mà không viết lại chút gì về các kỷ niệm thời thơ ấu của em sao? Mẹ thấy đấy, em là một thiên thần nhỏ không còn ở lại trần gian này bao lâu nữa đâu, có thể chúng ta sẽ mất hết những chi tiết quá thú vị đối với chúng ta. Thoạt đầu Mẹ Bề Trên hơi do dự, nhưng vì chúng con quá nài nỉ, Mẹ đã nói với chị Tôi Tớ Chúa rằng Mẹ sẽ rất vui nếu em viết ra và trao cho Mẹ bản tường thuật về tuổi thơ ấu của em như một món quà cho ngày lễ cảu Mẹ” ( Bản thảo A). Về sau, khi thấy chị Têrêsa bị bệnh nặng, Mẹ Agnès đã thuyết phục để Mẹ Bề Trên đương nhiệm là Mẹ Marie de Gonzague truyền cho Têrêsa kể lại lịch sử đời tu của chị, và đó là phần thứ hai của bản thảo ( bản thảo C). Sau cùng, đích thân con đã xin em trong cuộc tĩnh tâm cuối cùng của em ( 1896) là viết cho con về điều mà con goi là “giáo thuyết nhỏ” của em. Em đã viết, và những trang này được thêm vào để làm thành phần thứ ba khi in ra “câu chuyện đời em ( bản thảo B).[1]

III. NỘI DUNG

1. VƯỜN ƯƠM MẦM THÁNH, ÔNG BÀ MARTIN, BỐ MẸ TÊRÊSA
Như thường thấy, Xuân về có muôn ngàn mầm xanh đâm chồi nảy lộc. Mầm trở nên những cành non khỏe vươn dài trên những thân cây, mầm cho mùa xuân những chiếc lá non xanh và tô thắm bức tranh mùa xuân với muôn sắc màu hoa xuân xinh đẹp. Bởi đâu mà thiên nhiên có được những nụ hoa xinh tươi thắm nở như vậy? Chắc hẳn đó là cả một quá trình hấp thụ khoáng chất từ thiên nhiên. Từ những chất mùn màu mỡ của đất, đến sinh khí của ánh nắng mặt trời cũng như sức sống từ những cơn mưa đầu mùa. Có thể nói, Têrêsa là một nụ hoa xuân mà những ai một lần được chiêm ngắm sẽ nhận thấy một vẻ đẹp hoàn mỹ tỏa rạng ngời trên nụ hoa tươi xinh kia, vẻ đẹp này sẽ mãi in đậm vào sâu thẳm cõi lòng mình suốt mùa xuân cuộc đời. 
Vâng! Có lẽ là như thế! Qua những tâm tư đơn sơ, chân thành của người thiếu nữ Thánh trong Truyện Một Tâm Hồn, độc giả dễ nhận biết rằng bông hoa trắng nhỏ[2] ấy được sinh trưởng và lớn lên trong vườn ươm mầm thánh. Hồi tưởng lại những kỷ niệm tuổi thơ, Thánh Nữ nhận ra rằng Thiên Chúa đã gieo mầm sự sống đời mình nơi mảnh đất thánh: Chính Người đã làm nó nảy sinh nơi một mảnh đất thánh và như thể hoàn toàn thấm nhuần một hương thơm trinh bạch[3]. Mảnh đất thánh này, qua những lời tự thuật của Thánh Nữ, trước hết người ta thấy có hai thân cây hoa phúc đức[4] đó chính là ông bà Martin, bố mẹ của người thiếu nữ, Têrêsa viết: Thiên Chúa đã ban cho tôi một người cha và một người mẹ xứng đáng sống ở trên trời hơn là dưới đất[5]. Tiếp tục với những câu chuyện tuổi thơ, chắc hẳn nhiều độc giả mơ ước được trở nên những người con của hai thân cây hoa phúc đức này. Bởi những nhân đức trọn lành từ nơi thân cây phúc đức đã gieo vào lòng trí con cái của các ngài những hạt sương trong lành chất chứa niềm khát khao sự toàn thiện. Bà Zélie Marie, mẹ của Thánh Nữ đã từng tìm đến ơn gọi đời tu. Song, sau thời gian tìm hiểu, bà được cho biết mình không có ơn gọi theo con đường tận hiến. Bà nguyện hứa sẽ dâng lên Chúa con cái của bà làm những bông hoa xinh đẹp trong vườn hoa thiêng của Giáo Hội Chúa. Và quả thật, với chín người con, chỉ có năm người con gái sống đến tuổi trưởng thành, bốn người đã trở thành những nữ tu của dòng Carmel, và một là nữ tu dòng Đức Bà thăm viếng ở Caen. Ông Martin, người mà Têrêsa gọi là đức vua của nữ hoàng bé nhỏ, cũng đã từng có ý định dâng hiến cuộc đời mình theo ơn gọi tu trì. Song Thiên Chúa muốn dùng ông như là người tưới mát cho những bông hoa xinh đẹp trong vườn thánh thiêng của Người. Lòng trắc ẩn nơi người cha đáng kính này làm nên vẻ đẹp trong sáng nơi những tâm hồn thơ ấu. Đức vua yêu dấu của Thánh Nữ không chỉ dành cho con cái mình bằng tình thương yêu của một người cha, nhưng còn bằng tình mẫu tử của người mẹ: quả tim quá dịu dàng của cha nay lại chất chứa thêm một tình yêu âu yếm của người mẹ[6]. Bên cạnh hai thân cây phúc đức, Têrêsa luôn nép mình vào tấm lòng yêu dấu của những người chị. Thánh Nữ thỏa thích ngắm nhìn những bông huệ trắng xinh này. Vẻ đẹp của những bông huệ đã hình thành và dưỡng nuôi trong tâm hồn người thiếu nữ ước mơ trở thành người nữ tu thánh thiện. Têrêsa xem những người chị của mình như là những bông huệ xinh đẹp: chính Người đã cho nãy sinh trước nó tám bông huệ trắng tinh rực rỡ”[7]. Bốn bông huệ đã được Chúa hái về khi những nụ hoa vừa mới chớm nở, còn bốn bông huệ khác đang cùng nhau khoe sắc và tỏa ngát hương thơm nơi vườn thánh trong tu viện. Xuyên suốt những kỷ niệm tuổi thơ cũng như hành trình cuộc sống của người thiếu nữ bé nhỏ, hình ảnh và những việc làm lành thánh của những người thân cứ trở đi trở lại trên từng trang viết của Thánh Nữ.
Quả thật, việc giúp một người hướng thiện, bước theo lời mời gọi nên thánh, ngoài ân phúc từ Thiên Chúa, thì môi trường sống, hoàn cảnh sống có những ảnh hưởng tích cực trong tiến trình hoàn thiện mình trên con đường trọn lành. Đường nên thánh còn là việc chu toàn những sứ mạng của mình qua những việc làm nhỏ bé thường ngày. Nhưng trong những công việc ấy phải ẩn chứa một trái tim mến yêu vĩ đại. Điều này làm nên những nụ hoa xinh tươi khiến ánh mắt của Chúa phải đoái nhìn. Những việc làm nhỏ bé đó như hương thơm muôn hoa tỏa ngát bay lên trước Nhan Thánh Chúa. Xin được cùng tìm hiểu đường nên thánh của Têrêsa với những công việc thiêng liêng bé nhỏ thường ngày.

2. NÊN THÁNH BẰNG NHỮNG VIỆC LÀM BÉ NHỎ.

Trong việc tìm kiếm sự thánh thiện, Têrêsa đã thấu hiểu rằng để đạt được điều đó và bày tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, thì không cần phải thực hiện những việc làm anh hùng hay cao siêu, Têrêsa viết: Em chẳng có cách nào khác để tỏ tình với Người, ngoài việc tung hoa, nghĩa là không bỏ qua một hy sinh nào dù nhỏ nhặt nhất, không một cái nhìn, một lời nói, nhưng lợi dụng mọi việc nhỏ bé nhất và làm tất cả vì yêu.[8] Dẫu nhận biết là nên hoàn thiện thì không cần thiết phải trở nên những con người vĩ đại, song những mơ ước cao xa vẫn luôn dậy sóng trong tâm hồn người thiếu nữ trẻ: em cảm thấy muốn làm chiến binh, linh mục, tông đồ, tiến sĩ, tử đạo…Giêsu, Giêsu, nếu em muốn viết ra tất cả các ước muốn của mình, chắc em phải mượn quyển sách trường sinh của người[9]. Thậm chí người con so đo tính toán : từ lâu con đã tự hỏi tại sao Thiên Chúa nhân lành lại có những sự thiên vị như thế, tại sao mọi linh hồn không được hưởng các ân huệ như nhau, và con ngạc nhiên khi thấy Người rộng ban các ân huệ phi thường cho các Vị Thánh đã từng xúc phạm đến người như thánh Phalô, Thánh Âutinh, và có thể nói Người ép các ngài nhận các ân huệ của Người.[10] Những mơ ước và suy tư như thế dẫn tâm hồn Têrêsa đến với quyển sách tự nhiên của Đấng Tạo Hóa để tìm lời giải. Quả thật qua quyển sách này người thiếu nữ đã tìm thấy những điều bí nhiệm: Người đã đặt trước mắt con quyển sách thiên nhiên và con đã hiểu rằng mọi bông hoa người đã dựng nên đều đẹp, vẻ rực rỡ của bông hồng và vẻ trắng tinh của bông huệ không át mất hương thơm của bông hoa tím bé nhỏ hay vẻ đơn sơ quyến rũ của bông hoa cúc đầu xuân…trong thế giới các tâm hồn là vườn hoa của Chúa Giêsu cũng vậy. Người đã muốn làm ra các vị đại Thánh ví như các bông huệ và bông hồng, nhưng Người cũng đã tạo ra các vị Thánh nhỏ hơn và các vị này phải bằng lòng làm những bông hoa cúc mùa xuân hay những bông hoa tím được dựng nên để làm vui cái nhìn của Thiên Chúa nhân lành khi Người đặt họ xuống dưới chân Người.[11] Từ việc thấu hiểu Thánh Ý Chúa qua trang sách tự nhiên, bông hoa trắng nhỏ ngày một xinh tươi hơn, bởi nó biết trao gởi kiếp sống mong manh của mình cho Đấng Lang Quân. Mỗi sáng thức giấc Têrêsa dâng trái tim mình cho Giêsu, để rồi Giêsu đổ đầy dòng máu yêu thương và Têrêsa dùng trái tim ấy làm nền tảng cho những mối tương quan sống thường ngày của mình: Người đã phú bẩm cho con một quả tim nhạy cảm và rất mực yêu thương[12]. Một việc làm mà ít người có đủ khiêm tốn để thực hiện đó là việc nhận lỗi và thú lỗi. Têrêsa khác với người ta có lẽ nhờ tính cách đặc biệt này: mỗi khi phạm một lỗi nhỏ nó muốn mọi người đều biết. Hôm qua sau khi vô ý làm rách một góc nhỏ của tấm thảm, coi nó tội nghiệp lắm, rồi phải đi nói với cha nó ngay. Bốn giờ sau ông mới về, chẳng còn ai nhớ đến chuyện này, nhưng nó vội chạy đến chị Marie và nói “xin chị nói với cha là em đã làm rách miếng thảm đi”. Và nó đứng đó như một tội nhân chờ bản án, nhưng nó tin chắc người ta sẽ tha thứ cho nó dễ dàng vì nó đã thú tội[13]. Những trang viết của Thánh Nữ luôn đầy những kỷ niệm về những việc thiêng liêng như dâng hoa, đọc kinh, cầu nguyện, chiêm ngắm, suy niệm, tham dự thánh lễ, rước Thánh Thể…, tâm hồn người thiếu nữ luôn khát khao được chìm đắm trong những việc làm thiêng liêng đó. Thật khó để liệt kê đủ đầy những việc làm trọn lành không tên khác của người thiếu nữ trẻ này. Chính Thánh Nhân nhiều lần cảm thấy bất lực khi muốn ghi nhận lại những việc làm nhỏ bé lành thánh của mình bằng ngôn ngữ loài người: em cảm thấy mình bất lực để nói lên những bí mật của trời bằng những lời lẽ của trần gian, và rồi sau khi đã viết hết trang này đến trang khác, em thấy mình vẫn chưa bắt đầu được tí gì…[14].

     
Người thiếu nữ trẻ cùng với việc trở nên hoàn thiện bằng những việc làm nhỏ bé làm cho người ta nhớ lại thông điệp mà Đức Giêsu đã trao ban khi các môn để đặt vấn đề với Ngài rằng: “ thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong nước trời”. Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” ( Mt 18, 1- 4). Thông điệp thì đã rõ, song để đón nhận và sống thông điệp ấy như người thiếu nữ Têrêsa thì không phải là một việc làm đơn giản. Để sống được trọn vẹn lời dạy của Đức Giêsu chắc hẳn Têrêsa đã tìm được cho mình một điểm tựa vững chắc, điểm tựa giúp người thiếu nữ vượt qua tất cả những ngang trái đau thương của cuộc đời. Xin cùng khám phá đôi nét về điểm tựa vững bền này trong tâm hồn thiếu nữ Têrêsa


3. ĐIỂM TỰA TÌNH YÊU

Tình yêu, một đề tài mà con người thường xuyên đụng chạm nhất trong cuộc sống thường ngày. Không có tình yêu thì mọi thứ gần như trở nên vô nghĩa. Tình yêu như nguồn suối chảy xuyên suốt mọi thời, nguồn suối không lúc nào vơi. Người ta đã nói nhiều, suy tư nhiều về tình yêu, song thật khó để diễn tả hết được những điều liên quan đến đề tài này bằng ngôn từ của loài người bởi nó bắt nguồn từ chính Đấng Tình Yêu. Têrêsa cũng là một trong những con người vĩ đại đầu tư vốn liếng đích thực để làm sinh lợi cho công trình Mầu Nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa. Người Thánh Nữ không đơn thuần để lại dấu ấn của mình qua bút tích với những suy tư sâu xa, hơn thế Thánh Nữ đã thử nghiệm nó bằng chính mạng sống của mình, và cuộc thử nghiệm đó đã minh chứng cho sự hiện hữu đích thực của Đấng Tình Yêu trong thế gian này.

Để làm được điều đó, trước hết Thánh Nhân đã không ngừng tìm kiếm ơn gọi của mình giữa trần gian. Và khi nhận ra ơn gọi của mình Têrêsa đã vui sướng kêu lên: Ôi Giêsu Tình Yêu của em…cuối cùng em đã tìm thấy ơn gọi của em, ơn gọi của em chính là Tình Yêu[15]. Khi đã xác tín ơn gọi của mình, người thiếu nữ khám phá mọi thứ chung quanh mình, mê mẩn đắm mình vào những trang sách linh thiêng của các Thánh để kiếm tìm và học hiểu về tình yêu, và Tin Mừng trở nên như nguồn lương thực bổ dưỡng nhất nuôi dưỡng tâm hồn đang khát khao tìm kiếm ánh sáng của Tình Yêu: A! con đã kín múc được biết bao ánh sáng trong các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá… nhưng trên hết là sách Tin Mừng, nguồn mạch cho các giờ suy niệm của con, ở đó con tìm thấy tất cả những gì cần thiết cho tâm hồn nhỏ bé của con. Con luôn luôn khám phá ra ở đó những luồng ánh sáng mới, những ý nghĩa bí ẩn nhiệm mầu…[16]. Với tấm lòng đơn sơ và một tâm hồn chân thành kiếm tìm ý nghĩa của tình yêu, người thiếu nữ đã được đón nhận ân huệ hiểu biết về Tình Yêu của Thiên Chúa. Người biết rằng mọi phẩm tính toàn năng của Thiên Chúa đều chất chứa nguồn lực tình yêu: như thế mọi sự trọn lành của Thiên Chúa đều rực rỡ tình yêu, ngay cả sự công bằng của Người (và có lẽ còn hơn mọi phẩm tính khác) cũng thấm nhiễm tình yêu…[17]. Khi nhận thấy nơi Thiên Chúa ánh sáng tình yêu luôn rực cháy chiếu tỏa khắp nhân gian như thế thì Thánh Nữ cũng thấu hiểu rằng chỉ có tình yêu mới làm đẹp lòng Người: em hiểu rất rõ rằng chỉ có tình yêu mới làm chúng ta trở nên đẹp lòng Thiên Chúa, vì thế tình yêu này là của cải duy nhất mà em ham muốn[18]. Như vậy người thiếu nữ bé nhỏ đã chọn lấy tình yêu để làm điểm tựa cho đường đời của mình. Thánh Nữ dùng điểm tựa này để vượt qua tất cả những nghịch cảnh của cuộc sống dương thế và đi trọn vẹn trên đường nên người Thánh Trẻ. Thử hỏi con người nhỏ bé ấy, con người chất chứa những tình cảm thân thương, một tình yêu nồng thắm dành cho hết những thành viên trong gia đình. Con người ấy làm sao vượt qua được trước cảnh chia xa từng người thân yêu. Mới lên bốn tuổi, người mẹ nhân lành của Thánh Nữ giã từ cuộc đời dương thế. Lên năm, chị Pauline, người đảm trách bổn phận làm mẹ sau khi người mẹ nhân lành qua đi, rời xa Têrêsa để vào dòng kín Carmel, năm lên mười lăm tuổi, chị Marie cũng giã từ mái ấm gia đình để nhập dòng Carmel, năm 21 tuổi, đức vua yêu dấu của nữ hoàng bé nhỏ hát lên tình ca ly biệt sau những năm dài nằm liệt trên dường bệnh, và rồi những nỗi đau thân xác bệnh tật, tinh thần sầu khổ vì phải đối diện với nhiều người không cùng chí hướng…,. Điểm lại các cuộc chia xa và những nỗi đau vô tận của Thánh Nữ, người ta không biết làm sao mà người thiếu nữ ấy vượt qua được những thách thức ấy. Phải chăng tình yêu làm nên tất cả? chắc hẳn là như thế! Chỉ có tình yêu mới đủ sức mạnh giúp con người kiên vững trên mỗi nẻo đường đời của mình, và tình yêu ấy phải bén rễ nơi Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch tuôn chảy muôn ơn lành cho hết mọi người.
Có lẽ còn thật nhiều điều để khám phá nơi tâm hồn người Thánh Nữ Trẻ. Một vài nội dung chia sẽ trên đây chắc hẳn chỉ là những tóm lược nhỏ lẻ. Hy vọng với hành trình đời mình, qua những thực tại sống chúng ta sẽ có nhiều cơ hội gặp lại những suy tư của người thiếu nữ vĩ đại này nhờ biết tìm đến những điều thiện hảo bằng tấm lòng chân thành đơn sơ như Thánh Nữ. Cuối cùng xin được chia sẻ đôi điều cảm nhận sau khi đọc những trang viết tự thuật tuyệt vời của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

IV.MÔT VÀI CẢM NHẬN

Trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng đông phương liên tiếp xảy ra, các phong trào giải phóng tôn giáo đang diễn ra khắp nơi tại các giáo hội đông phương, các nổ lực của các giáo hội địa phương tìm cách giải thoát khỏi tòa thượng phụ Constantinople thành lập ở Phanar. Hội Thánh Công Giáo tại Rôma tìm cách đưa ra một chính sách thông cảm hoàn vũ, ôn hòa hiện diện và cởi mở. Bên cạnh những lối sống của những tín hữu tốt lành, (linh mục d’Alzon là một trong những con người đó. Người quan tâm đến vận mệnh giáo hội công giáo lúc bấy giờ và chuẩn bị cho sứ mạng truyền giáo rộng lớn ở Đông Phương, là sứ mệnh sẽ thay “những thánh giá giả”), thì đời sống đa số tín hữu khác, đặc biệt hơn đời sống tu sĩ có nhiều biến động và biến chất do ảnh hưởng từ những cuộc khủng hoảng chính trị và tôn giáo. Đường tu đức bị lôi cuốn bằng những hấp lực bên ngoài, nền tảng đời tu dường như không được dựng xây trên tinh thần Ki-tô hữu. Họ quên đi nghĩa vũ người tôi tớ của Thiên Chúa là minh chứng và đem đến cho con người ơn Cứu Độ. Tham vọng quyền lực, chức sắc, lợi dụng quyền bính, áp đặt những chính sách mang tính cách con người hóa mọi sự[19]. Chắc hẳn Thiên Chúa thấy rõ những gì con người đang theo đuổi, làm cho họ ngày càng rời xa Người. Trong tình cảnh đó, Chúa gởi đến cho Giáo Hội bông hoa trắng nhỏ Têrêsa nhằm cứu vãn tình thế và đem đến cho Giáo Hội niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng. Lúc bấy giờ không biết Thánh Nữ có nghĩ đến việc Chúa dùng người để gieo vào trong tâm trí mọi người, đặc biệt hơn người ki-tô hữu mầm sống thánh thiêng hay không? Với hậu thế, thì người ta nhận thấy điều này. Thánh nữ âm thầm dưới ngọn đèn dầu, nhớ lại và viết ra những kỷ niệm thơ ấu, cũng như con đường linh thiêng của mình. Dòng văn không phải được đào luyện qua trường lớp sư phạm, nhưng những gì người ta đọc được, đó chính là những gì tinh tế của một ngòi bút được tinh luyện trong Thần Khí Thánh Linh. Lời văn cứ tuôn trào đầu ngọn bút theo mạch cảm xúc của Thánh Nữ, nhiều lần người thốt lên, không biết làm sao ghi lại hết được những cảm xúc và tư tưởng cứ tuôn trào trong tâm trí. Thánh nữ nhận ra ơn đặc biệt của Chúa đặt vào tâm trí của mình là có một trí nhớ siêu phàm. Từ những kỷ niệm nhỏ lẻ lúc còn tuổi ấu thơ, cho đến những sự kiện thường nhật trong cuộc sống, cũng như những ơn phúc mà Thánh Nữ cảm nhận được đều được Chúa in hình trong trí nhớ. Đọc những dòng cảm xúc của Thánh nữ, nhiều lần độc giả sẽ cảm thấy tiếc nuối, bởi những gì Thánh Nữ chưa có cơ hội đưa hết những kỷ niệm, những tư tưởng sâu xa của mình vào trên những trang viết. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó đã đủ để Giáo Hội Chúa nhận biết rằng thời đại nào Thiên Chúa cũng luôn hiện diện giữa dân Người qua những phương thế mà Người đã ấn định. Thiên Chúa luôn ban xuống những ơn phúc để duy trì và dựng xây triều đại Người ở dưới thế. Có nhiều lúc người ta tưởng chừng như Thiên Chúa đã chìm đắm trong giấc ngủ sâu lắng và quên đi việc giáng xuống những ân phúc cho con người. Song, Thiên Chúa đã dùng chính những sự lầm tưởng của con người trong thời thế loạn lạc để thức tỉnh lại một hậu thế nhân loại. Giáo Hội thật vui mừng đón nhận ơn phúc của Chúa qua người Trinh Nữ Trẻ Têrêsa, một con người đầy lòng cậy trông, niềm tin tưởng mạnh mẽ và lòng mến yêu son sắt với Đấng Lang Quân của người là Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta. Người đích thật là Tiến Sĩ của Giáo Hội Chúa, bởi những tư tưởng sâu sắc và đời sống thánh thiện của mình đã cứu vớt và đưa trở lại con đường sự sống cho biết bao linh hồn thất lạc. Linh mục Sêbastianô Đỗ Đức Phổ nói "Thánh Nữ chỉ sống ở trần gian này 24 năm, mà Thánh Nữ đã cứu được nhiều linh hồn ngang bằng với số linh hồn mà Thánh Phanxicô Xaviê đã đi khắp Á Châu rao giảng Tin Mừng Cứu Độ".

                                                                                                                              thân ái
                                                                                                                            aantvolo

BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN